(TN&MT) - Rác thải ở Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh(Hà Tĩnh) từ lâu đã gây nhiều bức xúc trong dư luận nhưng chưa bao giờ trở thành vấn đề nóng như hiện nay. Rác đổ bừa bãi tràn ngập khắp mọi nơi làm cho môi trường nơi đây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và kéo theo vô vàn hệ lụy.
Rác thải tràn ra đường quốc lộ 1A
Khu kinh tế Vũng Áng có diện tích rộng 22.781ha bao gồm 9 xã: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Hà và Kỳ Ninh, thuộc huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh. Phía Bắc và phía Đông giáp biển Đông, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp các xã Kỳ Khang, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Hưng và Thị trấn Kỳ Anh, hầu hết các xã đều bị rác thải “tấn công” gây ô nhiễm nặng, trầm trọng nhất là hành lang QL 1A qua xã Kỳ Liên đang bị biến thành bãi rác công cộng. Rác thải chất thành đống, lấn ra cả lòng đường, trong đó có cả bao tải bơm kim tiêm, rác thải y tế và xác chết động vật.
Gần ba năm nay, hàng nghìn người dân của xã cùng với hàng triệu lao động và khách qua đường tại Khu kinh tế Vũng Áng đã phải hứng chịu mùi hôi thối bốc ra từ những “núi rác” này. Anh Nguyễn Xuân Trường, một người dân than phiền: “Khổ lắm các chú ạ, đời sống văn minh rồi mà chúng tôi vẫn phải sống chung với rác thải như thế này đây. Trời nắng cũng như mưa, các đống rác thi nhau bốc mùi hôi thối, chưa kể gặp phải những phế liệu chứa hóa chất thì còn có mùi nặng hơn”.
Không ít người dân bức xúc và không giấu được vẻ lo lắng cho biết thêm: Đã nhiều năm nay chẳng hiểu vì nguyên nhân gì mà một khu kinh tế trọng điểm như cảng Vũng Áng lại không có đơn vị thu gom rác thải. Hệ quả là ngay hành lang đường Quốc lộ 1A đi qua, nơi tập trung đông dân cư sinh sống đang phải nhường bớt chổ cho những đống rác bốc mùi xú uế, hôi thối; ruồi muỗi sinh sôi và phát tán. Không biết người dân chúng tôi còn phải sống chung với rác đến bao giờ nữa.
Rác trong khu kinh tế Vũng Áng có thể đổ bất cứ nơi đâu
Kỳ Liên là xã có tuyến đường QL1A chạy qua; nằm trong khu kinh tế Vũng Áng có rất đông lao động tạm trú hàng ngày, ngoài những người dân địa phương thì những người khách qua đường và công nhân lao động cũng là tác nhân gây ô nhiễm rác thải. Người dân tự tiện vứt rác ra bất cứ nơi đâu và vô hình trung họ đã trở thành nạn nhân của những hành vi thiếu ý thức đó. Điều đáng nói là điểm tập kết rác tự phát ở khu vực tập trung đông dân cư, có đến hàng tấn rác tràn ra cả lòng đường QL1A, có cả xác chết động vật và hàng bao tải bơm kim tiêm nhưng hàng năm trời vẫn không được chính quyền xã này chỉ đạo xử lý.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một cán bộ UBND xã Kỳ Liên cho biết: “Rác thải thực sự đang là một vấn nạn đối với địa phương chúng tôi. Cái khó của xã là chưa có đất quy hoạch và chưa có kinh phí để xây dựng bãi rác công cộng. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền nhưng do người dân thiếu ý thức nên vẫn xả rác bừa bãi, đó là rác thải thông thường chứ rác thải y tế thì do người ở xã khác vứt, xã chúng tôi không có cơ sở y tế nào có đến hàng chục bao tải bơm kim tiêm như thế…”
Chính quyền xã thì tỏ ra bất lực và đổ lỗi cho hoàn cảnh, trong khi đó người dân thì vẫn vô tư xả rác bừa bãi và ra sức than vãn vì hậu quả do chính mình gây ra. Nếu cứ tình trạng này kéo dài, xã Kỳ Liên không xây dựng được bãi rác tập trung và người dân nơi đây vẫn không ý thức được việc bảo vệ môi trường sống của chính chắc chắn sẽ còn kéo theo vô vàn hệ lụy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khu kinh tế Vũng Áng, tình trạng rác thải bừa bãi xẩy ra một cách tràn lan. Bãi rác có thể mọc bất cứ nơi đâu, ngay trước cổng nhà, các con đường, vỉa hè, dọc các đường Quốc lộ 1A, khu vực họp chợ, chân cầu, bờ sông...
Nguyên nhân là do, thời gian gần đây, rác thải sinh hoat từ người dân xả ra nhiều, trong khi đó việc thu gom chỉ được phần nào, vì thế tất cả mọi ngóc ngách đều có thể biến thành bãi rác di động.
Nguyên nhân là do, thời gian gần đây, rác thải sinh hoat từ người dân xả ra nhiều, trong khi đó việc thu gom chỉ được phần nào, vì thế tất cả mọi ngóc ngách đều có thể biến thành bãi rác di động.
Trước thực trạng môi trường bị ô nhiễm bởi nạn rác thải, đề nghị chính quyền sở tại, các cơ quan ban, ngành cần sớm có biện pháp xử lý, thu gom và sớm trả lại môi trường thông thoáng.
Bài và ảnh: Đức Cảnh