Rác bủa vây người dân
Tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), dọc các tuyến đường, khu vực chợ cóc, cầu cống rác được người dân, doanh nghiệp tấp đống không được vận chuyển khiến người dân ở đây vô cùng bức xúc.
Tại khu vực cầu Đá Hát tiếp giáp giữa 2 phường Kỳ Long và phường Kỳ Liên, có khoảng 20 xe rác được người dân đổ đầy rác. Thậm chí, rác trào cả ra đường Quốc lộ 1A, ruồi muỗi, mùi xú uế bốc lên nồng nặc nhưng vẫn chưa được vận chuyển đến nơi xử lý.
Hàng chục xe chở rác được tấp đầy rác nằm một bên Quốc lộ 1A đoạn qua phường Kỳ Long (TX. Kỳ Anh) |
Tương tự, tại khu vực đường từ ngã 3 phường Kỳ Long chạy thẳng xuống cổng phụ KCN Formosa, đoạn cầu Tây Yên thuộc phường Kỳ Thịnh, rác thải sinh hoạt được đưa ra tập kết thành từng đống tràn cả ra đường đi gây nên hình ảnh phản cảm, mất tính mỹ quan của KKT.
Một hộ dân sống tại phường Kỳ Long bức xúc cho biết, khoảng mấy tuần nay, họ không đến thu gom nên rác mới ùn ứ như thế. Nếu kéo dài tình trạng này, thật khốn khổ cho họ.
Do thiếu kinh phí
Lý giải về vấn nạn này, ông Phan Thăng Long, Phó Trưởng ban KKT Hà Tĩnh cho biết: “Hiện tại, ở KKT có Trung tâm Dịch vụ hạ tầng có hợp đồng chuyên đi thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn các phường, xã tại KKT. Ở đây, có 12 phường, xã, trong đó, chỉ 9 phường xã là có hợp đồng vận chuyển với Trung tâm. Các xã còn lại không thu gom, vận chuyển do người dân không chịu đóng tiền phí”.
Vừa qua, UBND thị xã Kỳ Anh đã phê duyệt Đề án “Xử lý rác thải sinh hoạt” chỉ đạo quyết liệt các phường, xã trên địa bàn thu gom và bố trí các địa điểm tập kết rác. Sau đó, từ các điểm tập kết rác, các đơn vị vận chuyển sẽ đến lấy đưa đi xử lý.
Một điểm tập kết rác tự phát nằm ngay bên cạnh Khu công nghiệp Fomosa. |
Theo ông Long, UBND tỉnh phải xem xét lại kinh phí để cấp cho thị xã. Vừa qua, sở dĩ có tình trạng rác thải ùn ứ tấp đống là do phía nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Hoành Sơn - đơn vị chuyên tiếp nhận rác thải đóng tại xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) không tiếp nhận rác thải của các đơn vị vận chuyển đến với lý do UBND thị xã Kỳ Anh chưa thanh toán kinh phí”.
Ông Long cho biết BQL chỉ phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai, còn chịu trách nhiệm chính vẫn là thị xã Kỳ Anh và các địa phương. Ông cũng thừa nhận, vấn nạn rác thải sinh hoạt không được vận chuyển đến nơi xử lý đúng quy định ảnh hưởng vấn đề môi trường, mỹ quan đô thị. Đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của KKT nói riêng và UBND thị xã nói chung.
Ông Lê Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Hạ tầng KKT cho rằng, rác thải sinh hoạt đơn vị này chỉ chịu trách nhiệm thu gom ở các xã, phường: Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh còn các xã phường vùng trong thuộc đơn vị khác.
Về nguyên nhân rác ùn ứ là do một số xã, phường chưa thành lập được tổ đội thu gom. “Quan trọng vẫn là ý thức người dân, một tháng chúng tôi thu 10 nghìn/đồng nhưng họ vẫn không chịu nộp tiền, sau đó, lén lút đi đổ lung tung”. Ông Cường nói.
Hiện tại, các phương tiện để thu gom rác cũng còn đang hạn chế. Xe để gom rác vừa thiếu vừa cũ không đáp ứng được số lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân. Kinh phí cho việc vận chuyển rác của Trung tâm cũng khó khăn, hiện tại vẫn chưa nhận được tiền vận chuyển.
Một đơn vị chuyên vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã Kỳ Anh cho biết, nguyên nhân tình trạng rác ùn ứ là do phía nhà máy xử lý rác thải họ ngừng tiếp nhận rác do phía chính quyền chưa đóng tiền cho nhà máy.
Khu vực cầu Tây Yên thuộc phường Kỳ Thinh, có đến 4 điểm người dân đổ rác. |
Theo đơn vị này, mấu chốt của vấn đề hiện nay là đề án xã hội hóa công tác môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung và thị xã Kỳ Anh nói riêng. Cần sớm thực hiện đề án xã hội hóa công tác môi trường mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt. Nếu không sớm triển khai, trong thời gian tới đơn vị khó có thể duy trì hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.
Theo infonet