Môi trường

Hà Tĩnh: Biến chất thải chăn nuôi thành sản phẩm hữu ích

Đức Cảnh 08/08/2023 - 10:23

(TN&MT) - Với mong muốn thay đổi thói quen xử lý chất thải bằng hình thức truyền thống trong chăn nuôi, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư dây chuyền công nghệ biến chất thải thành các sản phẩm hữu ích phục vụ sản xuất. Cách làm mới này được đánh giá là bước đi sáng tạo trong việc tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tận dụng lợi ích từ chất thải

Những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh phát triển khá mạnh cả về tổng đàn lẫn quy mô trang trại, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nhưng cũng gây ra sức ép rất lớn cho môi trường. Nhận thấy, việc xử lý chất thải chăn nuôi đã trở thành mối quan tâm hàng đầu nên một số doanh nghiệp trên địa bàn đã tiên phong áp dụng công nghệ mới, biến chất thải chăn nuôi thành sản phẩm hữu ích.

Bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu dây chuyền công nghệ để xử lý chất thải thành các sản phẩm hữu cơ sau gần hai năm, mới đây, Công ty Cổ phần sản xuất phân bón Thống Nhất đã đưa nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) vào hoạt động với công suất 7.000 tấn/năm. Theo đó, đơn vị đã liên kết với nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn để thu mua chất thải chăn nuôi, giảm tải được áp lực rất lớn về công tác môi trường tại nhiều cơ sở.

anh-2.-ep-phan.jpg
Có khoảng 69% lượng chất thải và nước thải chăn nuôi ở Hà Tĩnh đang được thu gom xử lý bằng phương pháp truyền thống như biogas kết hợp ao sinh học,

Qua tìm hiểu, điểm nổi bật của phân hữu cơ Thống Nhất đó là chất thải chăn nuôi chiếm tới 80% lượng nguyên liệu. Tại nhà máy, các loại chất thải chăn nuôi tại các trang trại lợn, gà, trâu bò cùng rác thải hữu cơ trồng trọt và sinh hoạt như: rơm, bã mía, vỏ lạc và loại thực phẩm đã bị hỏng hoặc thức ăn thừa được tập kết, rồi sử dụng chế phẩm sinh học để ngâm ủ trước khi đưa vào dây chuyền sản xuất thành phân hữu cơ.

Ông Phạm Văn Thống - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất phân bón Thống Nhất, cho biết: “Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, đã có hàng ngàn tấn phân bón hữu cơ Thống Nhất được cung ứng cho thị trường. Sản phẩm phân bón không những thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu trong sản xuất cây trồng mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng chất thải chăn nuôi ùn ứ tại các trang trại”.

Với quy mô chăn nuôi gần 4.000 con lợn thương phẩm, trang trại chăn nuôi của ông Trần Nghệ Tịnh ở xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) luôn phải đối mặt với lượng chất thải lớn. Được biết, đã nhiều lần cơ sở chăn nuôi này bị buộc phải dừng sản xuất do người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm.

Trước thực trạng đó, trang trại của ông Tịnh được Dự án nông nghiệp các-bon thấp Hà Tĩnh định hướng, hỗ trợ đầu tư hệ thống tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. Hệ thống xử lý bao gồm: máy ép phân, bể chứa ba ngăn, dung tích 60m3, công suất xử lý lên đên hàng trăm kg chất thải/ giờ.

Hệ thống sẽ ép tách nước ra khỏi hỗn hợp chất thải chăn nuôi... loại bỏ tối đa lượng cặn và bùn, đồng thời giúp thu hồi lượng chất rắn khoảng 70%. Qua đó, không chỉ giảm thiểu chất thải và mùi hôi khó chịu trong trang trại mà còn giúp tiết kiệm chi phí cho việc vận chuyển, xử lý phân.

Lan tỏa cách làm mới mang lại giá trị hữu ích

Từ thành công của việc áp dụng hệ thống tách phân tại các mô hình điểm, hiện nay, một số cơ sở chăn nuôi ở Hà Tĩnh cũng đã tiến hành đầu tư. Đây được xem là một giải pháp phù hợp, không chỉ giảm thiểu ô nhiễm mà còn biến phân thải thành sản phẩm hữu ích cho sản xuất nông nghiệp.

Theo số liệu báo cáo, hiện nay có khoảng 69% lượng chất thải và nước thải chăn nuôi ở Hà Tĩnh đang được thu gom xử lý bằng phương pháp truyền thống như biogas kết hợp ao sinh học, biogas cải tiến và ủ phân vi sinh. Tuy nhiên, công nghệ này gây nhiều lãng phí về nguồn phân hữu cơ, cũng như lãng phí tài nguyên đất, làm gia tăng áp lực lên môi trường khu vực.

Hà Tĩnh hiện có 261 cơ sở chăn nuôi tập trung, trong đó có 220 cơ sở chăn nuôi lợn vừa và lớn; 15 cơ sở chăn nuôi gia cầm, 26 cơ sở chăn nuôi bò và nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ khác. Nguồn chất thải phát sinh mỗi năm ước khoảng 1,5 triệu tấn chất thải rắn; 6 đến 7 triệu m3 chất thải lỏng.

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh

Ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết: “Tại các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, các bể biogas sau một thời gian hoạt động sẽ bị đầy, làm giảm hiệu quả xử lý hoặc rò rỉ gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi lâu nay được thực hiện chủ yếu bằng hầm biogas, hoặc bằng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học chỉ phát huy hiệu quả đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ. Do đó, đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, việc kết hợp giữa hệ thống máy tách ép phân với hệ thống xử lý nước thải là hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy, những trang trại đầu tư máy ép tách phân ngay từ đầu đã giảm được 1/3 chi phí làm hầm biogas”.

Được biết, trong tổng số 1,5 triệu tấn chất thải rắn, 6 - 7 triệu m3 chất thải lỏng từ các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thải ra mỗi năm, thì chỉ có khoảng 2/3 được xử lý bằng công nghệ biogas, kết hợp chế phẩm sinh học. Phần còn lại đang trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Xuân Hoan - Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Việc ứng dụng công nghệ, đầu tư máy móc để xử lý chất thải chăn nuôi như các hệ thống tách phân, ép phân mà một số cơ sở đã áp dụng thành công là hết sức cần thiết. Điều này có thể làm tăng chi phí đầu tư ban đầu nhưng mang lại hiệu quả bền vững cho chăn nuôi và tạo ra lợi ích kép trong sản xuất nông nghiệp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Biến chất thải chăn nuôi thành sản phẩm hữu ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO