Hà Nội: Tổng lực dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão
(TN&MT) - Ngày 8/9, các lực lượng quân đội, công an, dân quân, các ban ngành, đoàn thể và các lực lượng chuyên ngành khác: Cây xanh, điện, thoát nước, chiếu sáng, vệ sinh môi trường... tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã cùng ra quân dọn dẹp cây xanh bị gãy, đổ, khắc phục các tuyến giao thông bị gián đoạn và vệ sinh môi trường sau bão số 3.
Theo báo cáo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội, tính đến 7h sáng ngày 8/9, trên địa bàn Thành phố có 14.660 cây xanh bị đổ và gãy cành.
Riêng cây đổ là 14.272 cây, chủ yếu là các cây sấu, hoa sữa, phượng, xà cừ, bông gạo, sao đen..., đường kính thân cây từ 15 - 50cm, một số cây có đường kính thân khoảng 100cm.
Gần 300 nhà dân và công trình khác bị tốc mái, 4 nhà mái tôn bị sập. Ngoài ra còn có 992m tường bao bị sập đổ; 19 công trình nhà ở bị hư hỏng. Nhiều cột điện bị đổ, đứt hỏng đường dây điện khiến nhiều khu vực tạm thời mất điện.
Số lượng cây xanh rất lớn, nhiều nơi gây cản trở giao thông và gây nguy hiểm đến người dân, các công trình xung quanh. Trước mắt, các lực lượng cùng với sự hỗ trợ của người dân thực hiện cưa dọn thân cây, cắt tỉa cành cây và dọn dẹp vệ sinh sơ bộ. Với những cây xanh gãy đổ, lãnh đạo thành phố Hà Nội lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ lại, trồng lại.
Do số lượng cây xanh bị gẫy đổ nhiều, tán rộng, hầu hết ở các tuyến phố chính và trong điều kiện thời tiết đang tiếp tục mưa lớn nên công tác khắc phục mất nhiều thời gian, khó khăn.
Với các cây có đường kính nhỏ, có thể sử dụng máy cưa cầm tay, dao, rìu, song với những cây cổ thụ, đường kính thân cây lớn phải để người có chuyên môn thực hiện, sử dụng những thiết bị, phương tiện cưa cắt chuyên dụng hơn để đảm bảo yếu tố an toàn, nhanh chóng giải phóng hiện trường sau bão.
Cán bộ cảnh sát giao thông cũng triển khai lực lượng hỗ trợ phân luồng từ xa, hướng dẫn người dân tham gia giao thông ở tuyến đường khác nhằm đảm bảo an toàn.
Nhiều cây xanh gãy, đổ đè vào đường dây, cột điện. Các cán bộ, công nhân của điện lực Hà Nội cũng đang nỗ lực khắc phục các sự cố điện để phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Bão số 3 khiến khối lượng rác thải và rác cành lá cây tăng lên nhanh chóng. Trời mưa cũng khiến công việc của công nhân vệ sinh môi trường nặng nhọc hơn.
Tại các khu dân cư, người dân chủ động dọn dẹp cây gãy đổ, rác bẩn xung quanh khu vực gia đình mình sinh sống; vệ sinh đường làng ngõ xóm và giảm tải phần nào công việc cho các công nhân môi trường.
Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội cũng huy động các cán bộ, hội viên phụ nữ ở các quận, huyện, phường, xã phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện cắt tỉa, dọn dẹp cây đổ tại các tuyến đường, ngõ, trường học, nhà văn hóa, khu di tích, sân chơi trên địa bàn. Đồng thời, thăm tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Phạm Nguyên Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thanh Trì cho biết: thực hiện theo chỉ đạo chung của UBND huyện và của Hội Phụ nữ Thành phố Hà Nội nói riêng, trong hôm nay, tất cả cán bộ, hội viên ở các thôn, xã, tổ dân phố của huyện đều xuống hiện trường, tới các khu công cộng, nhà dân bị hư hỏng, tốc mái để hỗ trợ khắc phục. Trong đó ưu tiên 15 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, ốm yếu không có khả năng dọn dẹp. Công việc chủ yếu là cắt tỉa cây, che đậy lại mái nhà, vách tường bị bong tróc; dọn dẹp vệ sinh trong nhà và xung quanh, trên đường giao thông...
Về vệ sinh môi trường, Hội tích cực khuyến cáo tất cả các hộ dân dùng nước sạch, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh nhà ở để tránh bệnh tật. Do mưa lớn, nhiều nhà bị ngập nước và tới trưa nay mới rút hết. Cán bộ hội đã hướng dẫn các gia đình rác vôi bột, xịt khuẩn nhà cửa, rửa tay chân sạch sẽ để tránh nước ăn chân hay các bệnh về da do tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm. Trong chiều nay và ngày mai, Hội tiếp tục rà soát các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, những hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại để có phương án hỗ trợ.
Theo Sở Y tế thành phố Hà Nội, Sở đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tổng vệ sinh môi trường khi nước rút. Tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, nước rút đến đâu khơi thông dòng chảy, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn để xử lý môi trường, dịch bệnh kịp thời.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh trong và sau mưa bão, nhất là người dân sinh sống trong vùng ngập lụt có nguy cơ bùng phát các bệnh dịch thường gặp trong và sau mưa bão (tiêu hóa, da liễu, sốt xuất huyết, mắt…).
Trước, trong và sau bão, các đơn vị y tế của thành phố đã trực khám, chữa bệnh 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế. Tính đến sáng ngày 8/9, toàn ngành đã thực hiện khám, chữa bệnh cho tổng số 10.745 bệnh nhân đang được điều trị nội trú; tiếp đón và khám chữa bệnh nội trú 841 bệnh nhân trong những ngày bão; khám cấp cứu, tai nạn 929 trường hợp (tai nạn giao thông 54 trường hợp, tai nạn lao động 10 ca, tai nạn sinh hoạt 92 trường hợp …).
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đáp ứng 112/112 lượt yêu cầu cấp cứu, phục vụ 83 bệnh nhân cấp cứu, vận chuyển 15 bệnh nhân tới viện.
Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị liên quan của TP Hà Nội sẽ tiếp tục cập nhập thường xuyên diễn biến tình hình diễn biến của mưa bão, ngập úng để kịp thời ứng phó. Tiếp tục xử lý các cây xanh bị đổ, gãy, nghiêng, bật gốc để xử lý trồng lại hoặc chặt bỏ, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khi lưu thông, sinh hoạt. Các đơn vị thoát nước xử lý các điểm ngập úng cục bộ trên địa bàn trong tình huống có mưa lớn xảy ra...