Hà Nội thực hiện 6 giải pháp khắc phục sau "cuồng phong" chiều 13/6

15/06/2015 00:00

(TN&MT) – Chiều 14/6, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Báo cáo số 96/BC-UBND, tình hình xử lý sau cơn giông chiều ngày 13/6. UBND TP đã để ra 6 nhiệm vụ, giải pháp khắc phục trận “cuồng phong” trên.

Báo cáo nêu rõ: vào lúc 17h00 - 17h45 ngày 13/06/2015, trên địa bàn thành phố đã xảy ra mưa giông kèm gió lốc. Tuy lượng mưa không lớn nhưng gió giật mạnh (cấp 8, cấp 9), đặc biệt ven các sông, hồ, các khe giữa các nhà cao tầng gió giật tăng lên vài cấp đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với người, phương tiện và hệ thống hạ tầng đô thị của Hà Nội, trong đó nặng nề nhất là hệ thống cây xanh đường phố và hệ thống điện, hệ thống điện chiếu sáng công cộng đô thị.

Cơn giông lốc chiều 13/6 đã gây thiệt hại nặng nề cho Hà Nội
Cơn giông lốc chiều 13/6 đã gây thiệt hại nặng nề cho Hà Nội

 

Theo thống kê ban đầu, có 2 người chết, ít nhất 7 người bị thương, 25 ô tô và khá nhiều xe máy bị hư hại. Hệ thống cây xanh đường phố bị ảnh hưởng rất nặng, tập trung vào các quận Hoàn Kiếm (86 cây đổ), Hai Bà Trưng (207 cây đổ), Đống Đa (96 cây đổ) và Hoàng Mai (trên 300-500 cây đổ). Theo thống kê chưa đầy đủ của các đơn vị quản lý công viên cây xanh (Công ty Công viên cây xanh, Công ty cổ phần Bình Minh, Công viên Thống nhất, vườn thú Hà Nội…) số lượng cây đổ trên địa bàn 12 quận nội thành là trên 900 cây, dọc Đại lộ Thăng Long và Đường 5 kéo dài là khoảng 450 cây. (có biểu phụ lục kèm theo).

Trong hơn 900 cây gẫy đổ trên địa bàn 12 quận, phần lớn là các cây rễ nông, ăn ngang, cành dòn (Muồng, Bằng Lăng,…) có trên 100 cây có đường kính lớn trên 40 cm, trong đó xà cừ 38 cây, chiếm hơn 30% . Nhiều cây gẫy đổ ngang đường, cản trở giao thông, điển hình như nút giao thông Nguyễn Du - Quang Trung (4 cây xà cừ), nút giao thông Hồ Xuân Hương - Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước 51 Nguyễn Thái Học, trước 110 Minh Khai (2 cây xà cừ), trước 158 Minh Khai, trước 422 Trương Định, ngõ 521 Trương Định; cây xanh gẫy đổ đè lên các đường dây, cáp điện, làm bật vỉa hè và các ống cáp ngầm dẫn đến mất điện sinh hoạt và điện chiếu sáng đường phố, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trong khu vực.  

Trong thời điểm mưa tại các khu vực đang được xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đô thị hóa hoặc không có hệ thống thoát nước như phố Phạm Văn Đồng, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Châu Văn Liêm, Thanh Đàm, Vĩnh Hưng đã xảy ra úng ngập với mức độ 0,1-0,2m; Vị trí Mạc Thị Bưởi, Chân cầu Vĩnh Tuy do ảnh hưởng của việc thi công trên mương Vĩnh Tuy nên đã xảy ra úng ngập mức độ 0,2m. Đến thời điểm 18h15 các vị trí úng ngập đã cơ bản rút hết nước, giao thông tại các vị trí trên đi lại bình thường.  

Hệ thống điện và chiếu sáng cũng bị thiệt hại, cụ thể, sự cố chạm chập cáp ngoài lưới dẫn tới nổ chì, nhảy aptomat: 42  vụ; Mất nguồn: 173 Trạm; Đổ gẫy cột BTLT: 21 Cột; Cột BTLT bị nghiêng: 12 Cột; Đổ gẫy cột thép: 17 Cột; Cột thép bị nghiêng: 10 Cột. Sự cố về đèn 190 đèn; Đứt cáp treo các loại: 40 khoảng Rơi khung trang trí: 08 Khung. Cây đổ gẫy, gây sự cố làm mất điện trên diện rộng ở các quận nội thành.  

Ngay trong và sau cơn giông, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã cùng các Phó Chủ tịch  xuống hiện trường trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng…khẩn trương tổ chức lực lượng, thiết bị để khắc phục nhanh những sự cố về cây xanh, chiếu sáng, sự cố điện, môi trường, thoát nước đặc biệt là công tác giải phóng cây đổ, cành gẫy để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường phố của 12 quận. Lãnh đạo UBND Thành phố đã trực tiếp chỉ đạo các tại các điểm nóng như: Ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung, Trương Định, Minh Khai, Trần Hưng Đạo… để chỉ đạo khắc phục sự cố điện.

Để tiếp tục khắc phục hậu quả, sáng 14/6/2015, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tiếp tục kiểm tra tại hiện trường, chủ trì làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận và thống nhất chỉ đạo: duy trì chế độ chỉ huy xử lý tình trạng khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai; giám đốc các sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm huy động lực lượng, giải quyết những vấn đề thuộc ngành quản lý; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp với các ngành chức năng xử lý những vấn đề phát sinh trên địa bàn. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, Các lực lượng chức năng (bao gồm cả lực lượng chuyên ngành và lực lượng tại chỗ của địa phương) bám sát thực địa tại những nơi có cây đổ, gẫy, sự cố điện, nước để khẩn trương khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Thứ hai, Rà soát những nơi xung yếu, nhất là những cây, công trình, nhà cửa có nguy cơ đổ, gẫy; những tuyến dây thông tin, dây điện có thể mất an toàn...đưa ra những giải pháp khắc phục, không để xảy ra sự cố tiếp theo.

Thứ ba, Chăm sóc, thăm hỏi và giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định đối với những người bị nạn, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Thứ tư, Khẩn trương thu dọn vệ sinh môi trường; thu dọn và quản lý củi, gỗ theo quy định.

Thứ năm, Lập kế hoạch cụ thể khắc phục hậu quả gồm: Trồng mới bổ sung những cây đã bị đổ gẫy (cây trồng phải đúng chủng loại cây đô thị, bảo đảm môi trường và mỹ quan đô thị). Lắp đặt, sửa chữa hệ thống điện, nước, đường dây thông tin, chiếu sáng... đảm bảo an toàn, phòng chống chảy, nổ. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân xây dựng lại các công trình (kinh phí từ nguồn dự phòng). Và thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; huy động các, lực lượng, cộng đồng dân cư tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Hải Ngọc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thực hiện 6 giải pháp khắc phục sau "cuồng phong" chiều 13/6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO