Hà Nội thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Khánh Ly| 05/06/2020 23:43

(TN&MT) - Ngày 5/6, tại Thành ủy Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hai bên đã thông tin về kết quả triển khai các nội dung tại Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin và truyền thông; các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần thúc đẩy trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy cùng tập thể Ban cán sự Đảng bộ của Bộ TT&TT, Thành ủy Hà Nội. Cùng dự còn có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các Bộ; đại diện các Sở, ban, ngành thành phố; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Quang cảnh buổi làm việc

Nỗ lực triển khai Chính phủ điện tử

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh: 5 năm vừa qua, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dịch vụ trực tuyến còn thấp, thậm chí có xu hướng giảm. Diễn biến dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển dịch vụ trực tuyến. 

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác TT&TT năm 2019, 6 tháng đầu năm 2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP  gày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử Thành phố, đồng thời, giao Sở TT&TT tham mưu xây dựng Chương trình mục tiêu CNTT thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội theo Khung Kiến trúc Chính phủ Việt Nam phiên bản 2.0.

Trong xây dựng Chính quyền điện tử, Thành phố đã phát triển cơ sở hạ tầng CNTT từ Thành phố đến cấp huyện và cấp xã phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho công dân và doanh nghiệp. Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.501/1659 thủ tục, đạt 91%.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc

Hà Nội là một trong 3 tỉnh, thành đi đầu triển khai tích hợp DVC TT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, Thành phố đã hoàn thành tích hợp 88 DVC TT (Dự kiến, đến hết năm 2020, sẽ hoàn thành tích hợp 261 DVC TT). Thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đồng thời, triển khai thí điểm biên lai điện tử tại một số cơ quan thu phí tại một số đơn vị, tiến tới triển khai diện rộng trên địa bàn Thành phố. Các hoạt động đào tạo, truyền thông về CNTT, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế về xây dựng Chính quyền điện tử và Thành phố thông minh cũng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, thành phố cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Đó là, tình trạng giá cước dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích còn cao, không linh hoạt theo từng khu vực, nên chưa thực sự thu hút người dân sử dụng; chưa có quy hoạch băng tần cho mạng 5G.

Đặc biệt, thành phố còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi về lĩnh vực an toàn thông tin làm việc trong các cơ quan nhà nước. Lĩnh vực báo chí, truyền thông cũng gặp một số vướng mắc do Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công đối với báo in, báo điện tử. Các báo, tạp chí chưa kịp thời đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến để theo kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông, Hà Nội đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ số tại 27 quận, huyện, dự kiến nghiệm thu vào tháng 9/2020 và bàn giao về các địa phương. Việc quét cơ sở dữ liệu nguồn gốc đất đai được 82%, dự kiến hoàn thành và nghiệm thu vào tháng 6/2021. Đây sẽ là những nền tảng dữ liệu quan trọng để phục vụ quy hoạch phát triển các cơ sở dữ liệu khác như môi trường, định giá đất, quản lý đô thị, giao thông, du lịch... Cơ sở dữ liệu này cũng sẽ được chia sẻ cho các ngành khác để xây dựng chính quyền thành phố thông minh trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc

Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà, TP thường xuyên quan tâm và dành ra khoản chi thường xuyên cho phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực. Sở Tài chính cũng đã cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu thông tin của ngành tài chính là về thu chi ngân sách, quản lý tài sản công, quản lý giá... Ngoài ra còn có nhiều ứng dụng trong quản lý vốn đầu tư và quản lý ngân sách khác. Đại diện Chi cục Thuế Thành phố cũng cho biết, cùng với việc thực hiện ưu đãi đầu tư về thuế suất, đất đai với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thành phố cũng nỗ lực đầu tư để điện tử hóa các dịch vụ tài chính, thuế; thực hiện kết nối liên thông giữa các ngành nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp lớn về CNTT như Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội – Viettel... cũng đề xuất nhiều lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và khẳng định sẽ hỗ trợ thành phố tối đa trong việc xây dựng thành phố thông minh, trong đó có việc sản xuất phần mềm giao thông thông minh; triển khai hệ thống camera thông minh; bảo đảm an toàn thông tin; ứng dụng công nghệ phục vụ quản lý an sinh, xã hội; hạ ngầm cáp viễn thông… Đại diện một số vụ, cục chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ thành phố Hà Nội trong việc phát triển toàn diện lĩnh vực thông tin, truyền thông.

Dẫn đầu xu hướng 5G, thực hiện chuyển đổi số

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị TP Hà Nội nên đặt mục tiêu đi đầu về đầu tư 5G, năng lực tương đương với thủ đô của các nước phát triển trên thế giới. Trước mắt để Hà Nội kêu gọi làn sóng đầu tư mới thì hạ tầng khu công nghiệp cần đi đầu về 5G. Thực tế, Việt Nam đã là một trong 5 nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G, đây là một lợi thế.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng cũng đề nghị TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2021 có thể đạt 100% người dân dùng điện thoại thông minh, năm 2023 mỗi gia đình có một đường cáp quang, phát triển hạ tầng viễn thông thuộc nhóm các thành phố phát triển nhất thế giới.

Đối với ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Hà Nội cần đặt mục tiêu 100% dịch vụ công thực hiện mức độ 4 ở năm 2021. Bộ cũng sẽ đồng hành với thành phố để đi đầu trong xác định danh tính số trên không gian mạng.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội mong muốn Bộ TT&TT và các đơn vị tiếp tục quan tâm, giúp đỡ thành phố trong việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh và toàn bộ trung tâm phân tích dữ liệu của thành phố; xây dựng các hạ tầng dịch vụ dùng chung; chiến lược chuyển đổi số, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, chắc chắn đây là con đường để phát triển kinh tế và tăng năng suất lao động cũng như giảm chi phí; xây dựng hệ thống an toàn bảo mật, an toàn thông tin...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, nhu cầu của Thủ đô về phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông rất lớn, tuy nhiên sự phát triển trong lĩnh vực này còn chưa tương xứng, Hà Nội cần cố gắng rất nhiều để đẩy mạnh phát triển.

Để thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số và thực hiện chuyển đổi số, Hà Nội cần đặt chiến lược chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực và xác định chi phí. Thành phố xác định sẽ dành nguồn lực cao để tạo dư địa cho phát triển. Bên cạnh đó, TP cũng mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ để xây dựng chiến lược chuyển đổi số để tới năm 2026 Hà Nội trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng, trung tâm trí tuệ nhân tạo lớn của cả nước và mục tiêu của cả khu vực...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO