Hà Nội tăng sức "đề kháng" đê điều

07/09/2017 00:00

(TN&MT) - Trong bối cảnh thời tiết mưa bão bất thường, việc nâng cao chất lượng đê điều tại TP. Hà Nội là nhiệm vụ cấp bách.

Tập trung nhiều tuyến đê trọng yếu

Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có các sông lớn chảy qua như: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Cầu và sông Cà Lồ. Để bảo đảm an toàn cho Thủ đô trong mùa mưa lũ, một hệ thống đê dài hơn 626km được đầu tư xây dựng dọc theo các con sông. Trong đó, hệ thống đê từ cấp II đến cấp đặc biệt được xây dựng dọc theo 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Đà, sông Đuống với tổng chiều dài 231km. Ngoài ra, còn có hơn 72 km đê cấp III (gồm đê Hữu Cầu, tả Cà Lồ, hữu Cà Lồ, hữu Đáy, Quang Lãng, Liên Trung, Tiên Tân); 160 km đê cấp IV (gồm đê hữu Đáy, tả Tích, tả Bùi, hữu Bùi, Mỹ Hà, Khánh Minh, Vòng Ấm, Đô Tân) và 62 km đê cấp V (gồm các tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng). Cùng 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài 132,84 km.

Theo đánh giá hiện trạng đê trước mùa mưa năm 2017 của Sở NN&PTNT, mặc dù, các tuyến đê của Hà Nội hiện nay đủ cao trình chống lũ với mực nước thiết kế, nhưng tiềm ẩn trong thân đê nhiều ẩn họa như: Tổ mối, tổ chuột, dị tật... Khi mực nước sông lên báo động 2, nhiều đoạn đê bắt đầu xuất hiện thấm mái đê ở mức độ nhỏ và tăng dần khi mực nước cao hơn và thời gian ngâm lũ dài hơn. Vào mùa lũ, một số vị trí trên tuyến đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn các quận, huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì, thường xuyên xuất hiện mạch đùn, mạch sủi...

Nâng cao chất lượng đê điều trong mùa mưa bão là nhiệm vụ cấp bách. Ảnh: MH
Nâng cao chất lượng đê điều trong mùa mưa bão là nhiệm vụ cấp bách. Ảnh: MH

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi Cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội cho biết, các tuyến đê của Thủ đô yếu là do lịch sử hình thành lâu đời, vật liệu xây dựng không đồng nhất, chịu tác động của thời tiết, thủy văn ngày càng cực đoan, bất thường... Hơn nữa, các tuyến đê còn bị con người xâm hại. Do chất lượng yếu nên mùa mưa bão năm 2016, hệ thống đê của Hà Nội đã xảy ra 47 sự cố sạt lở.

Phòng ngừa, xử nghiêm vi phạm đê điều

TP. Hà Nội đã đầu tư gần 379 tỷ đồng nâng cấp đê Vân Cốc, đoạn thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ; cải tạo, nâng cấp mặt đê tả Hồng (huyện Đông Anh); xây dựng hành lang chân đê hữu Đà, hữu Hồng (huyện Ba Vì); xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống (quận Long Biên)… Năm 2017, thành phố tiếp tục đầu tư 15 dự án kè chống sạt lở 8 tuyến đê; xây dựng 17 đoạn đường hành lang chân đê...

Trước mắt, để bảo đảm an toàn công trình đê điều phục vụ công tác chống lũ năm 2017, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, đặc biệt lưu ý tăng cường công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý sự cố đê điều ngay từ khi mới xảy ra, không để kéo dài, nảy sinh những hậu quả đáng tiếc…

Tuy vậy, theo ông Đỗ Đức Thịnh, để bảo đảm an toàn lâu dài các tuyến đê phục vụ công tác chống lũ, ngoài việc đầu tư kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp thì việc quan trọng không kém là phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đê điều. Thực tế, nhiều đoạn đê bị suy yếu là do con người xâm hại, như: Tập kết tre, gỗ, vật liệu xây dựng, chất thải, rác thải… dẫn đến hình thành tổ mối, tổ chuột trong thân đê. Ngoài ra, các phương tiện quá tải cũng tham gia tàn phá mặt đê, gây sạt thân đê… Hành vi xâm hại đê của con người có thể nói còn nguy hiểm hơn cả thiên tai. Tính từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra gần 2.000 vụ vi phạm công trình đê điều nhưng đến nay còn tồn đọng gần 1.300 vụ chưa được xử lý…

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng sức "đề kháng" đê điều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO