Phát triển Xanh

Hà Nội: Sắp có thêm 5 tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh

Cao Sơn 04/06/2024 16:08

(TN&MT) – Hướng tới mục tiêu “xanh hóa” hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đang triển khai thủ tục đưa 5 tuyến xe buýt điện vào phục vụ hành khách, dự kiến đầu năm 2025 sẽ đưa vào vận hành.

Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, tất cả xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải. Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.

Thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở GTVT Hà Nội cho biết, hướng tới mục tiêu “xanh hóa” hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, các tuyến buýt mở mới sẽ ưu tiên sử dụng xe năng lượng sạch.

Hiện đơn vị đang hoàn thiện thủ tục để đưa xe buýt điện vào vận chuyển hành khách trên 5 tuyến số: 05, 39, 47, 43, 59. Trong đó tuyến buýt số 05 sẽ sử dụng xe cỡ nhỏ (40 chỗ); còn lại sử dụng xe cỡ trung bình (41 - 60 chỗ). Dự kiến đầu năm 2025 các tuyến buýt điện này sẽ đi vào hoạt động.

1.jpeg
Dự kiến, đầu năm 2025 TP Hà Nội sẽ có thêm 5 tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2024 mạng lưới buýt đã tăng trưởng tốt cả về sản lượng lẫn doanh thu.

Cụ thể, 5 tháng qua mạng lưới xe buýt đã vận chuyển ước đạt 169,7 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá ước đạt 165,2 triệu lượt hành khách, tăng 8,6%; tổng doanh thu ước đạt 237 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông 5 tháng đầu năm đã vận chuyển được khoảng 4,6 triệu lượt hành khách, tăng 7,3%; tổng doanh thu ước đạt 30,9 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Sở GTVT Hà Nội cũng đã điều chỉnh, hợp lý hóa lộ trình, dịch vụ, phù hợp tổ chức giao thông đối với 114 tuyến buýt; điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 76 tuyến buýt; dừng hoạt động 5 tuyến từ 1/4/2024. Kết quả cho thấy điều chỉnh toàn mạng lưới đã mang lại hiệu suất cao hơn cho xe buýt Hà Nội.

Bên cạnh đó Sở GTVT TP Hà Nội đang tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của xe buýt đối với các khu vực có nhu cầu. Đưa vào hoạt động tuyến xe buýt điện có trợ giá E10: Khu đô thị Ocepark - Nội Bài từ ngày 1/1/2024; 2 tuyến buýt kế cận không trợ giá số 215 kết nối TP Hà Nội với tỉnh Nam Định từ 26/1/2024; và số 71 Công viên Nghĩa Đô – Đại học Quốc Gia (Hòa Lạc) từ 1/6/2024.

Tính đến tháng 5/2024, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội gồm 153 tuyến, trong đó: 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sắp có thêm 5 tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO