Hà Nội quyết liệt phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

01/06/2019 10:05

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên đàn lợn, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp như tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường ...

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã triển khai tiêm phòng bổ sung và tiêm phòng đại trà đợt 1 năm 2019 các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Nhìn chung, công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản đạt kế hoạch giao 6 tháng đầu năm 2019.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã triển khai 3 đợt đại trà tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Riêng đợt phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp hóa chất bổ sung 214.670 lít hóa chất phân bổ cho các đơn vị để sử dụng phòng, chống bệnh dịch; tổng diện tích phun vệ sinh, khử trùng tiêu độc là 184.360.755m2. Ngoài ra, UBND các quận, huyện và thị xã cũng đã hỗ trợ tại địa phương 274,88 tấn vôi bột và gần 1,3 tỷ đồng phục vụ công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường, phòng, chống dịch ...

ta lon chau Phi
Hà Nội tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi.

Mặt khác, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội duy trì nghiêm chế độ báo cáo hằng ngày theo đường dây nóng của thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, phân công lãnh đạo Chi cục và phòng chuyên môn trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý và ứng phó kịp thời thông tin về bệnh Dịch tả lợn châu Phi; chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở giám sát dịch bệnh chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi trên địa bàn. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá khả năng phát sinh, lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Các đơn vị trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đã lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng, gồm: 1.260 mẫu cúm gia cầm, 230 mẫu lở mồm long móng gia súc, 97 mẫu dịch tả và 60 mẫu tai xanh ở lợn. Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị triển khai tiêm phòng đại trà đợt 2 năm 2019 bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn; lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đợt 2 để đánh giá hiệu quả tiêm phòng; triển khai công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh sau mùa mưa lũ ...

Đối với điểm nóng là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng tiếp tục tham mưu UBND thành phố, Sở NN&PTNT chỉ đạo, triển khai công tác chăn nuôi, thú y; đặc biệt tăng cường giám sát, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư, bảo đảm phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan; duy trì trực 24/24 giờ tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ánh qua đường dây nóng; thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, cả nước nhằm kịp thời cung cấp thông tin, nâng cao năng lực hệ thống ngành, hướng dẫn người chăn nuôi; thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh với các tỉnh trên địa bàn cả nước; chú trọng 24 tỉnh phía Bắc đã ký cam kết cùng Hà Nội; tiếp tục lấy mẫu ngẫu nhiên để test nhanh với bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại các cơ sở giết mổ, nơi nguy cơ cao.

Sở NN&PTNT Hà Nội chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; tăng cường chỉ đạo, tổ chức, triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố; tuyên truyền để người tiêu dùng không "quay lưng" lại với thịt lợn, thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn (không nhiễm bệnh) trên địa bàn thành phố; cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi trong vùng có dịch (cấp xã, huyện); thịt và sản phẩm từ lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch bệnh theo cấp địa phương.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quyết liệt phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO