Hà Nội: Nhiều giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão

10/04/2015 00:00

(TN&MT) – Mục tiêu Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội đưa ra trong năm 2015 là hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Tình hình thời tiết, thủy văn ngày càng phức tạp

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB Hà Nội, năm 2014 có tổng lượng mưa và số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới thấp hơn trung bình nhiều năm (lượng mưa trung bình trên địa bàn thành phố là 1.548,9mm thấp hơn năm 2013 là 389,2 mm; thấp hơn TBNN là 137,8mm).

Trong năm 2014 có 5 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó các cơn bão số 2, số 3 đã ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội. Ngoài ra, trong năm 2014 còn xảy ra một số đợt mưa to kèm lốc xoáy cũng đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Điển hình có 3 đợt mưa trong tháng 6 đã làm một số tuyến đường, như: Phạm Văn Đồng, nút Mai Dịch, Phan Văn Trường, Trần Bình đã xảy ra úng ngập cục bộ với độ sâu 0,1- 0,2m. Gió lốc (mạnh cấp 8, cấp 9) xảy ra ngày 4/6 đã làm 119 cây đổ; 36 cành cây gãy; một cây xà cừ đổ trên Đường Hùng Vương đè lên xe taxi khi đang lưu thông làm lái xe bị tử vong; gió lớn trên hồ Tây cũng làm lật 1 thuyền, khiến 2 người chèo thuyền tử vong; xảy ra mất điện tại cửa điều tiết Hồ Tây, trạm bơm hồ Bảy Mẫu, trạm bơm hầm chui Trung tâm Hội nghị Quốc gia…

Mưa to thường xảy ra ngập lụt tại một số điểm ở Hà Nội

Theo nhận định, hiện tượng ENSO nghiêng về pha nóng, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước trong năm 2015 sẽ có diễn biến phức tạp hơn so với năm 2014, trong đó số cơn bão, ATNĐ nhiều hơn về số lượng, bão mạnh, siêu bão có thể xuất hiện, lũ xuất hiện nhiều hơn ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.

Các hiện tượng thời tiết xảy ra bất thường không còn theo quy luật, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Cần đề phòng dông, tố, lốc, mưa đá xảy ra vào các thời kỳ giao mùa và những trận mưa lớn cục bộ và diện rộng gây úng ngập cục bộ.

Nhiều giải pháp phòng chống thiên tai

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố đã đưa ra 3 mục tiêu chính trong công tác phòng chống thiên tai năm 2015, gồm: bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng chống thiên tai, lụt bão; bảo đảm an toàn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai như mưa, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, úng ngập, hạn hán, rét hại, sương muối, mưa đá, … gây ra để bảo đảm sản xuất và đời sống của nhân dân.

Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố cũng đã đề ra kế hoạch phòng, chống lụt, bão và úng ngập năm 2015. Theo đó, đối với khu vực ngoại thành: Các huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, đảm bảo cấy xong cơ bản vụ mùa trước 30/6/2015; đồng thời thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng các khu vực ruộng trũng, để phòng, chống úng hiệu quả.

Một số công trình thuộc hệ thống tiêu úng khu vực ngoại thành được xây dựng đã lâu chưa được nâng cấp, địa hình bị chia cắt, vì vậy giải pháp tiêu úng khu vực này phải linh hoạt, kết hợp chặt chẽ giữa giải pháp công trình và phi công trình. Chú trọng giải pháp chủ động tiêu kiệt nước đệm đẩy nhanh thời vụ gieo cấy vụ mùa và ưu tiên hỗ trợ tiêu úng khu vực nội thành.

Đối với khu vực nội thành, giải pháp chống úng khu vực nội thành liên quan chặt chẽ đến việc vận hành trạm bơm Yên Sở và hệ thống thủy lợi sông Nhuệ. Trước hết, đối với Vùng lưu vực sông Tô Lịch: Khai thác triệt để năng lực và chủ động tiêu đối với cụm công trình đầu mối Yên Sở, các hồ điều hòa và hệ thống công trình dẫn tiêu trong lưu vực, mở đập Thanh Liệt tiêu kiệt nước đệm trên sông Tô Lịch trước khi mưa, bão xảy ra. Khi có mưa úng: vận hành trạm bơm Yên Sở (22 máy, tổng công suất 90 m3/s); vận hành trạm bơm Đông Mỹ, tiêu hỗ trợ trạm bơm Yên Sở. Vận hành trạm bơm Hòa Bình và trạm bơm Siêu Quần.

Đi thuyền trên phố

Đối với vùng lưu vực sông Nhuệ, đây là vùng tiêu phụ thuộc chủ yếu vào mực nước sông Nhuệ. Địa hình khu vực Mỹ Đình có cao độ từ +6,0m đến +6,6m. Vì vậy cần phải duy trì mực nước sông Nhuệ tại thượng lưu đập Hà Đông dưới mức +5,0m để vùng này tiêu tự chảy được. Tuy nhiên, do khu vực bờ hữu sông Nhuệ (huyện Đan Phượng, Hoài Đức và một phần huyện Từ Liêm) địa hình rất cao từ +7,0m đến +9,0m và thủy thế thấp dần từ phía tả sông Đáy về sông Nhuệ nên khi có mưa lớn nước dồn về làm mực nước sông Nhuệ đoạn từ Liên Mạc đến Hà Đông tăng lên rất nhanh; mặt khác lòng sông Nhuệ từ Khánh Hà đến cầu Chiếc (huyện Thường Tín) bồi lắng, lòng sông hẹp (có chỗ chỉ rộng 25m/40m thiết kế) nên nước sông Nhuệ từ Liên Mạc đến Hà Đông tiêu thoát chậm về hạ lưu.

Để duy trì mực nước tại thượng lưu đập Hà Đông (dưới +5,0m), đảm bảo tiêu nước cho lưu vực sông Nhuệ, khi tình huống mưa lớn xảy ra giữ nước khu vực Đan Phượng, Hoài Đức không tiêu vào sông Nhuệ bằng các trạm bơm tiêu ra sông Đáy (Tiên Tân, Minh Khai, Phương Bảng, Đào Nguyên).

Giao UBND các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì có trách nhiệm đảm bảo chống tràn bờ tả sông Nhuệ trên địa bàn quản lý, hoành triệt các cửa cống cấp thoát nước, đảm bảo ngăn không cho nước sông Nhuệ tràn vào khu vực nội thành.

Vận hành tối đa các trạm bơm phía bờ tả sông Nhuệ: Xuân Đỉnh, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Thanh Bình, Cầu Bươu. Dùng trạm bơm tưới La Khê rút nước sông Nhuệ về trạm bơm Phương Trung, Cao Xuân Dương, Ngọ Xá để bơm tiêu ra sông Đáy. Bên cạnh đó, vận hành trạm bơm dã chiến tại cống Yên Nghĩa quy mô (15m3/s) để rút nước sông Nhuệ đoạn từ Liên Mạc đến Hà Đông.

Bên cạnh đó, đối với những trọng điểm, những vị trí sạt lở, lún sụt, hư hỏng chưa được đầu tư tu sửa trước mùa mưa bão năm 2015, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố yêu cầu xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm.

Phạm Thu Hà

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO