Xã hội

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả phòng chống tác hại của thuốc lá

Khánh Ly 17/11/2023 - 16:27

(TN&MT) - Theo Kế hoạch Phòng chống tác hại của thuốc lá vừa ban hành, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá nam từ ở cả nam và nữ; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc, nhà hàng, quán bar, cà phê khách sạn. Đặc biệt, ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế và Trường Đại học Y tế Công cộng, năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã thực hiện cuộc điều tra “Thực trạng sử dụng thuốc lá và công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại thành phố Hà Nội năm 2022”. Kết quả điều tra chỉ ra, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người dân Thủ đô từ 15 tuổi trở lên là 19,1%.

Trong số những người sử dụng thuốc lá, tỷ lệ người đang hút thuốc hàng ngày là 13,9%; thỉnh thoảng là 5,1%. Trung bình những người này hút 1,5 điếu/ngày.

untitled.png
Kết quả điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá tại Hà Nội năm 2022

Điều tra cũng cho thấy, gần một nửa số người được hỏi đã từng nghe về thuốc lá điện tử, trong đó có 3,5% đã từng sử dụng (tăng so với 2,3% năm 2019) và 0,6% đang sử dụng thuốc lá điện tử. Có thể thấy thuốc lá điện tử đã dần không còn mới lạ đối với người dân, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Điều này làm gia tăng tỷ lệ người biết về thuốc lá và có khuynh hướng tăng sử dụng các loại thuốc lá này. Đây là các sản phẩm mới trên thị trường những pháp luật chưa có những chính sách quản lý cụ thể về việc sử dụng, buôn bán, nhập khẩu... đồng thời Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) cũng chưa đề cập cụ thể về việc cấm các loại thuốc lá này.

Thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm ở người. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so với những người không hút thuốc. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá dù không hút trực tiếp (hút thuốc thụ động) cũng đã được khoa học chứng minh là gây ra các bệnh chết người. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, không có một mức độ tiếp xúc với khói thuốc nào là an toàn đối với người hút thuốc lá thụ động.

Kết quả điều tra cũng chỉ rõ, có 44,2% đối tượng có phơi nhiễm với khói thuốc trong nhà; 27,6% đối tượng có phơi nhiễm với khói thuốc tại nơi làm việc.

untitled-2.png
Kết quả điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá tại Hà Nội năm 2022

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Luật, sau gần 10 năm kể từ khi Luật PCTHTL có hiệu lực, công tác PCTHTL đã có sự chuyển biến tích cực. Các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những nỗ lực trong công tác thực hiện nghiêm các quy định của Luật. Hầu hết đơn vị có thành lập Ban chỉ đạo ngành về PCTHTL và có văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện Luật PCTHTL. Nhiều cơ quan, đơn vị đã bước đầu xây dựng mô hình “nơi làm việc không có khói thuốc lá”. Đặc biệt, tất cả các cơ sở y tế, các trường học... đều đã xây dựng các mô hình “Cơ sở y tế không thuốc lá” và “Trường học không thuốc lá” đảm bảo môi trường học tập, làm việc trong lành. Các đơn vị hầu hết được phổ biến về Luật PCTHTL và thực hiện các quy định của Luật như có biển cấm hút thuốc lá, đưa việc cấm hút thuốc lá vào nội quy cơ quan.

Mặc dù vậy, một số nơi vẫn còn tình trạng vi phạm quy định như vẫn để xuất hiện hành vi hút thuốc, có mẩu thuốc lá, gạt tàn, quảng cáo buôn bán thuốc lá... Một số địa điểm khách sạn chưa có đầy đủ biển cấm hút thuốc. Việc xử phạt ở nhiều nơi chưa nghiêm hoặc chưa có hình thức xử phạt, đa phần chỉ nhắc nhở do còn cả nể. Việc thanh, kiểm tra chưa được diễn ra thường xuyên do nhân lực mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa có sự phân công cụ thể cán bộ chuyên trách PCTHTL và cụ thể chưa có chế tài xử phạt rõ ràng.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường không khói thuốc tại trụ sở các cơ quan trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 259/KH-UBND phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

Thành phố đề ra 6 nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, bao gồm: Hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

anh-th-thtl-dan-phuong.jpg
TP Hà Nội Tăng cường các hoạt động truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá trong học đường

Trong đó, đối với giải pháp hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá, gồm: Căn cứ Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn Thành phố đến năm 2030 của UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch của Sở, ban, ngành hoặc Kế hoạch liên ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch của đơn vị; Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại của thuốc lá các cấp, các ngành tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch PCTH thuốc lá trên địa bàn Thành phố đến năm 2030; Hạn chế, kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế.

Thành phố cũng đề xuất ban hành biện pháp về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng thuộc thẩm quyền của Thành phố. Việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá phải đáp ứng theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của tổ chức Y tế Thế giới. Cùng với tăng cường thực thi các văn bản quy định pháp luật về PCTH của thuốc lá trên địa bàn Thành phố, Hà Nội sẽ lồng ghép hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá vào các chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu về PCTH của thuốc lá với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước theo đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nâng cao hiệu quả phòng chống tác hại của thuốc lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO