Hà Nội: Làm rõ tranh cãi di chuyển cây hoa sữa và xả nước Hồ Tây

23/07/2019 17:38

(TN&MT) - Chiều 23/7, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, các cơ quan chức năng liên quan đã thông tin chính thức làm sáng tỏ những tranh cãi trong dư luận gần đây về việc UBDN quận Tây Hồ di chuyển hàng cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài, phường Bưởi và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch cuốn trôi kết quả thử nghiệm của đơn vị đến từ Nhật Bản.

Toan canh giao ban
Toàn cảnh giao ban báo chí chiều 23/7


Đã di chuyển 58 cây hoa sữa 

Thông tin đến báo chí, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, trên vỉa hè tuyến đường Trích Sài có tổng cộng 102 cây hoa sữa được trồng từ năm 2014. Qua thời gian, rễ cây nổi gây bong bật, hư hỏng bồn cây, gạch lát vỉa hè. Ngoài ra, vào mùa hoa sữa nở rộ, mùi hương ngào ngạt và nồng nặc đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Do vậy, nhân dân đã nhiều lần có ý kiến về việc di chuyển hàng cây hoa sữa trên tuyến phố này.

Ngày 18/12/2018, quận Tây Hồ đã có văn bản báo cáo và đề xuất Thành phố việc chuyển hàng cây hoa sữa này. Đến 2/1/2019, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 07/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng về việc di chuyển, trồng thay thế cây hoa sữa trên phố Trích Sài.

Anh hoa sua Pho Trich Sai
Di chuyển hàng cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài. Ảnh: Bảo Châu


Ngay sau đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo này, quận Tây Hồ đã kết hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá hiện trạng để đề xuất phương án di chuyển hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá, UBND quận Tây Hồ đã có Báo cáo số 91/BC-BQLHT ngày 28/3/2019 gửi UBND TP. Hà Nội và Sở Xây dựng xem xét, chấp thuận phương án di chuyển.

Theo đó, phương án dự kiến sẽ di chuyển gần 96 gốc hoa sữa trên phố Trích Sài (gần hồ Tây) về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Quận Tây Hồ sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc, duy trì 2 năm, bảo đảm các cây hoa sữa này sinh trưởng, phát triển tốt và sẽ bàn giao cho đơn vị vận hành Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn quản lý.

Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định với các cơ quan thông tấn báo chí, quận đã tiến hành họp công khai lấy ý kiến nhân dân phường Bưởi về việc chuyển hàng cây hoa sữa trên phố Trích Sài và 100% người dân tham gia cuộc họp đều đồng tình, ủng hộ.

Đến nay, quận Tây Hồ đã tiến hành di chuyển 58 cây hoa sữa trên tuyến phố Trích Sài về trồng tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Tại vị trí các cây hoa sữa đã di chuyển, quận Tây Hồ đang tổ chức thực hiện việc chỉnh trang, cải tạo hạ tầng, tổ chức lát lại vỉa hè và báo cáo, đề xuất với thành phố và Sở Xây dựng việc trồng cây thay thế bảo đảm đúng chủng loại cây xanh đô thị, phù hợp với khu vực này.

Xả nước Hồ Tây đúng quy trình và thông báo trước

Liên quan đến việc xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch cuốn trôi kết quả thử nghiệm của đơn vị đến từ Nhật Bản gây ra những ý kiến trái chiều, thậm chí, tiêu cực, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Lê Tự Lực đã có thông tin chính thức.

Ông Lê Tự Lực cho biết, theo đề nghị của Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty Cổ phần Đầu tư môi trường Nhật Việt (JVE) xin thử nghiệm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, một ô nước hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor. JVE tự nguyện thực hiện thử nghiệm và tự bố trí kinh phí.

Anh song To Lich
UBND TP. Hà Nội khẳng định việc xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch tuân thủ đúng quy định. Ảnh: Hoàng Minh


Trước đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng đã chủ trì cùng Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị liên quan làm việc với đơn vị thử nghiệm, chấp thuận cho đơn vị tổ chức thử nghiệm, yêu cầu thực hiện các nội dung cụ thể, trong đó, yêu cầu đơn vị  lưu ý các nội dung: Đặc thù nước thải Hà Nội, sông Tô Lịch có dòng chảy liên tục, là chủ lưu thoát nước chính của thành phố khi có mưa và xả nước điều tiết hồ Tây khi có nguy cơ úng ngập khi thử nghiệm; Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội được thành phố giao phối hợp với JVE thực hiện.

Theo ông Lê Tự Lực, Hồ Tây là hồ giữ vai trò điều hòa, điều tiết mức nước cho hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội. Hằng năm, quy trình quản lý vận hành hồ và mực nước khống chế được thực hiện theo quy định của Sở Xây dựng, có cửa xả nước trực tiếp ra sông Tô Lịch.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ngày 9/7/2019 qua công tác dự báo thời tiết, trong thời gian từ 3 - 5 ngày sau sẽ xuất hiện mưa, có cường độ khoảng từ 40 đến hơn 50 mm trên địa bàn thành phố; đồng thời, hiện trạng mực nước hồ Tây là 5,96m đang vượt 0,26 - 0,36m so với mực nước khống chế đã được chấp thuận (5,6 - 5,7m).

Do đảm bảo khả năng điều hòa nên mưa ngày 15/7, lưu vực Hồ Tây không xảy ra úng ngập. Việc xả, hạ mực nước Hồ Tây về mực nước quy định của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với quy trình vân hành và phương án chống úng ngập của Thành phố từ trước tới nay.

Về tác động của việc xả nước Hồ Tây đến việc thử nghiệm JVE ông Lực cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã lưu ý với JVE về việc xả hạ mức nước Hồ Tây khi mưa lớn; JVE đã khẳng định việc xả nước không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm.

Nội dung này được JVE khẳng định lại tại buổi làm việc với Sở Xây dựng và các đơn vị ngày 22/7/2019. Trên cơ sở kết quả dự báo thời tiết, vào lúc 9 giờ 15 phút và 9 giờ 30 phút ngày 9/7/2019, bà Võ Kim Oanh cán bộ Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã gọi điện thông báo cho cán bộ phụ trách kỹ thuật của JVE (ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Hiếu) thông báo về việc xả nước, điều tiết mực nước Hồ Tây để chống úng ngập.

Tiếp đó, tại buổi làm việc với Sở Xây dựng ngày 22/7/2019, các đơn vị và JVE đã đánh giá: trong thời gian vận hành thử nghiệm, đơn vị thử nghiệm đã thu thập, cập nhật dữ liệu hằng ngày. Tuy vậy, do thời gian chuẩn bị thử nghiệm ngắn (1 tuần) nên Cty JVE chưa khảo sát kỹ, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết, diễn biến mực nước, lưu tốc... trên sông Tô Lịch, không tham khảo hướng dẫn vận: hành hệ thống thoát nước của Dự án Thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội.

Việc thử nghiệm, trong thời điểm mùa mưa của năm là không phù hợp, phương án thử nghiệm chưa tính đến việc có dòng chảy lớn khi có mưa lớn hoặc xả nước Hồ Tây. Phía JVE đề nghị được thông báo sớm hơn về thời điểm xả nước Hồ Tây để đơn vị chuẩn bị kỹ hơn.

Trên cơ sở đó, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Lê Tự Lực khẳng định, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch là công tác vận hành thường xuyên từ trước đến nay tuân thủ đúng quy định để đảm bảo công tác thoát nước mùa mưa, chống úng ngập, không phải làm việc làm cá biệt.

Việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor do nhà đầu tư đề xuất; thành phố đã giao các Sở, ngành đơn vị liên quan cùng phối hợp thực hiện, trong đó, lưu ý sông Tô Lịch là sông thoát nước của thành phố, dòng chảy liên tục, nên khi thử nghiệm, yếu tố xả nước Hồ Tây cũng như khi mưa lớn là yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả công nghệ.

Thực tế, khi xả nước từ Hồ Tây tạo dòng chảy làm ảnh hưởng đến yếu tố kỹ thuật của thử nghiệm, cho thấy công nghệ áp dụng cho việc làm sạch nước sông chảy liên tục với lưu tốc lớn cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng. UBND thành phố sẽ chỉ đạo các Sở, ngành xem xét sau khi các đơn vị báo cáo kết quả thử nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Làm rõ tranh cãi di chuyển cây hoa sữa và xả nước Hồ Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO