Tham dự Lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam ông Michael Croft… cùng đại diện một số Ban, Bộ, Ngành và một số đại sứ quán các nước tại Việt Nam và đông đảo người dân Hà Nội.
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ôn lại ngày này 20 năm trước, ngày 16/7/1999, Hà Nội đã vinh dự và tự hào khi được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” tại Thủ đô La Paz, Bolivia.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho đến hôm nay, người dân cả nước và đặc biệt là đồng bào thủ đô Hà Nội càng tự hào hơn khi Hà Nội là Thủ đô duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận được danh hiệu này.
Để tiếp nối truyền thống đó, theo ông Nguyễn Đức Chung, sau 20 năm với nhiều đổi thay, Thủ đô tiếp tục phấn đấu không ngừng, xây dựng, phát triển, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Thủ đô hôm nay to đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số.
Hà Nội còn là thành phố đa sắc mầu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng. “Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến an toàn, thân thiện, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao…” - ông Nguyễn Đức Chung nói.
Vẫn theo người đứng đầu UBND TP Hà Nội, một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới và đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận giải thưởng Thành phố Vì hòa bình năm 1999 là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện niềm tin, khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Việt Nam, Hà Nội trên trường quốc tế.
“Với những thành tựu trong 20 năm qua, Hà Nội đang trình UNESCO xem xét hồ sơ ứng cử để tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới” - ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vẫn theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, hòa bình không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là mục tiêu và điều kiện căn bản để phát triển bền vững. Thủ đô Hà Nội luôn tự hào về danh hiệu “Thành phố Vì hoà bình”, không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn, thách thức, tự tin phát triển và hội nhập, trở thành một dấu ấn khó quên với bạn bè, du khách từng đặt chân tới
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO cho biết: Khi nhìn vào Hà Nội, 20 năm sau khi được vinh danh, sẽ thấy thành phố không chỉ là một đô thị lớn hơn với dân số đông hơn, một thành phố mở cửa, một thủ đô hội nhập năng động vào hợp tác khu vực và quốc tế. Điều đó cũng cho thấy đây chính là hình ảnh đất nước Việt Nam hiện đại, trẻ trung, tự tin, đầy trách nhiệm.
Theo ông Firmin Edouard Matoko, 20 năm qua đã có bước tiến lớn trong hợp tác song phương giữa UNESCO và Việt Nam. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng thành phố có tất cả các điều kiện phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo, bởi vì đây là thành phần chính của văn hóa và Hà Nội có một tâm hồn văn hóa.
Ông cho rằng, UNESCO hiểu dù Hà Nội tự hào về quá khứ của mình, nhưng vẫn hướng đến tương lai. “Chúng tôi tin rằng thành phố có tất cả các điều kiện phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo, bởi vì đây là thành phần chính của văn hóa - và Hà Nội có một tâm hồn văn hóa. Vì vậy, Tổ chức đã tiếp tục làm việc với thành phố, không chỉ để thúc đẩy và bảo tồn lịch sử, mà còn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới cho một thời đại mới” - ông Firmin Edouard Matoko nhấn mạnh.
Chia sẻ với Hà Nội trong dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá cao việc Hà Nội đã khẳng định vị trí là trung tâm của cả nước về chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kinh tế… trong chiều dài hơn 1.000 năm lịch sử.
Theo ông Lê Hoài Trung, sự phát triển của Hà Nội đã dựa trên các nền tảng hòa bình, các giá trị văn hóa, chất lượng giáo dục, sự năng động sáng tạo... Những thành tựu, nỗ lực của Hà Nội phần nào được thể hiện qua danh hiệu Thành phố Vì hòa bình được UNESCO trao tặng năm 1999. “Từ một thủ đô đã hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh, Hà Nội ngày nay đã trở thành một điểm đến hòa bình của thế giới…” - ông Lê Hoài Trung nói.
Cũng trong khuôn khổ Lễ Kỷ niệm, các đại biểu đã nhấn nút khai trương website “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”. Ngay sau đó, các đại biểu cùng tham gia thả chim bồ câu với thông điệp thể hiện khát vọng hòa bình, thịnh vượng và màn thả bóng bay của các cháu thiếu nhi.
Ngoài ra, cũng trong buổi sáng 13/7, tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ và khuôn viên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, các vị đại biểu đã cùng đi bộ vì hòa bình và tham dự Lễ hội đường phố “Trái tim hòa bình” với hơn 10.000 nghệ nhân, nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.