Qua tìm hiểu, được biết để khắc phục tình trạng người nông dân khu vực ngoại thành đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, gây ra sự lãng phí nguồn nguyên liệu có thể tái sử dụng, các cơ quan chức năng Hà Nội đã và đang triển khai mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ”. Cụ thể mục tiêu là đến năm 2020, sẽ không còn rơm rạ bị đốt bỏ ngoài đồng ruộng.
Tiếp đó trong những tháng đầu năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cử lực lượng xuống trực tiếp hướng dẫn bà con nhân dân tại các quận, huyện, thị xã – nơi còn diễn ra hoạt động nông nghiệp trồng lúa, triển khai xây dựng các kế hoạch nhằm mục đích hạn chế việc đốt rơm rạ, đồng thời cũng giới thiệu đến người nông dân các giải pháp thay thế như làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, làm giấy, trồng nấm, làm sản phẩm thủ công...
Bên cạnh đó từ tháng 5/2019 tới nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, hướng dẫn quy trình xử lý rơm rạ và giới thiệu các công nghệ sinh học không ảnh hưởng tới môi trường cho người dân các huyện ngoại thành bao gồm: Đan Phượng, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mê Linh, Ba Vì.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã tiến hành hỗ trợ 10% kinh phí; các quận, huyện, thị xã hỗ trợ 30% kinh phí để xử lý rơm rạ và còn lại do người dân tự chi trả nhằm xử lý rơm rạ sau thu hoạch...
Tuy vậy, theo số liệu quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) được công bố bởi Chi Cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ngày 8/6/2019 vừa qua tại 2 Trạm quan trắc không khí là Minh Khai và Phạm Văn Đồng lần lượt là 112 và 111. Kết quả của chỉ số chất lượng không khí này đều tăng so với những ngày trước đó. Ngoài ra đối với các Trạm quan trắc nội đô khác điển hình như Trạm Hàng Đậu cũng có chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức kém.
Theo Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm là do gần đây, khu vực ngoại thành Hà Nội đang vào mùa vụ thu hoạch lúa Xuân, một số người dân thiếu ý thức đốt rơm rạ. Đặc biệt, khi đốt rơm rạ sẽ gây ra hiện tượng phát thải các chất khí bụi CO2, CO, NOx... ra ngoài môi trường, khiến nồng độ bụi PM 2.5 có xu hướng tăng cao đột biến vào thời điểm chiều tối tới đêm khuya.
Cũng theo đại diện của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tại một số huyện ngoại thành thành phố vẫn còn tình trạng đốt rơm rạ. Căn nguyên của tình trạng này là do nhận thức của một bộ phận người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ đến đời sống, sức khỏe và môi trường còn hạn chế.
Ngoài ra, hành vi đốt rơm gây ảnh hưởng đến môi trường cho đến nay vẫn chưa có chế tài và các quy định xử lý cụ thể, thậm chí tại nhiều địa phương sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, chưa xử lý một cách triệt để đối với những đối tượng cố tình đốt rơm rạ. Việc làm này không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí mà còn tác động đến an toàn giao thông, hạn chế tầm nhìn của người dân khi lưu thông trên các tuyến đường.
Do đó, để có thể hoàn thành mục tiêu thành phố Hà Nội đặt ra là đến năm 2020 Thủ đô không còn cảnh đốt rơm rạ, nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rơm rạ, đồng thời không gây ra sự lãng phí nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng.
Tất cả điều này rất cần sự chung tay, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, chính quyền cơ sở, đặc biệt là sự chung tay từ phía người dân. Việc nâng cao sự hiểu biết, nâng cao được nhận thức và tìm hiểu một cách rõ ràng giá trị của rơm rạ sau thu hoạch hoàn toàn có thể tái sử dụng hiệu quả, sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng đốt rơm rạ trên những cánh đồng, bờ đê sau mỗi vụ thu hoạch lúa tại Hà Nội.