Hà Nội khắc phục tình trạng quá tải học sinh

Mai Đan| 12/08/2022 16:05

(TN&MT) - Trong năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật cũng như đối mặt với một số khó khăn, trong đó có tình trạng quá tải học sinh. Để kế thừa những thành tựu và khắc phục những tồn tại trong năm học qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đã đề ra các giải pháp cụ thể trong năm học 2022-2023.

nvm_0949(1).jpg
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội báo cáo trực tuyến tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 vào sáng 12/8 tại Hà Nội, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội đã thông tin về những kết quả nổi bật của ngành GDĐT trong năm học qua.

Theo đó, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát hệ thống trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tính đến tháng 6/2022, thành phố có 2.835 trường với 70.199 lớp với hơn 2 triệu học sinh, 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học.

Năm 2022, có 51 trường được xây dựng mới, cải tạo 605 trường, bố trí 1.464 tỉ đồng để mua sắm thiết bị dạy học. Tính đến tháng 6/2022, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 64,3%, trong đó trường công lập đạt 79%. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại có diện tích 5 héc ta.

img_8959.jpg
Hà Nội đề ra giải pháp  khắc phục tình trạng quá tải học sinh trong trường học

Thành phố cũng khánh thành Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến đạt tỉ lệ 86% phụ huynh đăng kí trực tuyến. Học sinh Hà Nội đạt thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội thừa nhận, do nhu cầu học tập rất lớn trên địa bàn thành phố và một số quận nội thành nên xuất hiện tình trạng một số trường, địa bàn quá tải về học sinh, khiến dư luận quan tâm.

Để khắc phục tình trạng này, ông Cương kiến nghị, Bộ GDĐT phối hợp với các địa bàn trung ương nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia.

Đồng thời, cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng, sử dụng các tầng hầm dựa trên công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Cụ thể, bố trí học sinh ở các tầng thấp, các cán bộ, giáo viên ở tầng cao.

Ngoài ra, Sở GDĐT Hà Nội đề ra các giải pháp để triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo. Theo đó, thực hiện công tác luân chuyển, bố trí giáo viên đúng sở trường, nâng cao năng lực nhà giáo; triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ giáo dục, cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, thích ứng với thời kì mới.

Bên cạnh đó, ban hành chính sách liên quan đến giáo dục đào tạo, cơ chế thu hút nhân tài về công tác tại Hà Nội, xây dựng cải tạo trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn giáo dục đại trà thực hiện chương trình GDPT 2018. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường.

Sở GDĐT Hà Nội cũng kiến nghị với Chính phủ về việc xem xét, cho phép quy định số lượng cấp phó theo quy mô và loại hình của cơ sở giáo dục, cho phép kí hợp đồng lao động với nhân viên làm công tác chuyên môn. Đồng thời, kiến nghị xây trường chuẩn quốc gia, tháo gỡ những khó khăn của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội khắc phục tình trạng quá tải học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO