Tại Việt Nam, quản lý rác thải sinh hoạt đang trở nên thách thức với số lượng rác thải sinh hoạt tăng lên gấp 2 lần trong 15 năm qua. Theo thống kê trong năm 2015 lượng rác thải sinh hoạt trên thế giới tăng tới 27,1 triệu tấn/năm và mỗi năm tăng khoảng 5%, dự đoán có thể đạt tới 54 triệu tấn vào năm 2030. Với sự đô thị hóa ngày càng nhanh, tới năm 2025 trung bình mỗi người dân đô thị thải ra 1,6 kg rác/ngày.
Đặc biệt, thành phần rác thải nhựa trong rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề của toàn cầu. Đối với Việt Nam mức tiêu thụ nhựa bình quân của mỗi người tăng từ 3,8 kg/người/năm 1990 lên 41 kg/người/năm 2015. Rác thải nhựa chiếm 13-16% trong rác thải sinh hoạt. Lượng rác thải nhựa ngày càng tăng, nhưng phần lớn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định, một lượng lớn bị thải ra các dòng sông và dần đi ra biển.
Theo dự báo của các nhà khoa học, trong khoảng 10 năm tới, lượng rác thải nhựa ra biển sẽ tăng gấp đôi và nếu chúng ta không hành động, vào năm 2050 các đại dương sẽ chứa nhiều rác thải nhựa hơn các loại cá. Ngày Trái Đất 22/4 hàng năm là sự kiện môi trường được tổ chức trên toàn Thế giới, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để bảo vệ hành tinh.
Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành có liên quan đang tập trung nghiên cứu nhằm đưa ra những giải pháp tổng thể cả về mặt thể chế, chính sách, công cụ kinh tế, cũng như về mặt công nghệ để Việt Nam chúng ta giải quyết một cách căn cơ vấn đề ô nhiễm do rác thải đô thị, rác thải nông thôn, rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy.
Theo ông Dũng một trong những giải pháp quan trọng nhất là làm sao để có thể huy động, kết nối được cộng đồng, huy động mọi người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường hoan nghênh các nhà bán lẻ, các siêu thị, trung tâm thương mại đã có những hành động cụ thể nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nilon khó phân hủy.
Để tăng tính hiệu quả của chương trinh này trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liện hiệp phụ nữ Việt Nam; UBND thành phố Hà Nội... các tổ chức chính trị, xã hội và đặc biệt là các nhà bán lẻ, nhà cung ứng dịch vụ cùng tham gia vào chiến dịch chống rác thải nhựa, cam kết cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp cụ thể, góp phần giảm thiểu tiến tới việc chấm dứt sử dụng rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy ra môi trường.
Bà Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết: Quản lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đang là yêu cầu cấp bách lúc này và để giải quyết vấn đề trên cần có sự tham gia của tất cả các bên, các tổ chức, các doanh nghiệp, người dân.
Do đó, sự kiện lần này được tổ chức nhằm xây dựng văn hóa ứng xử văn minh trong xả rác thải, của khách du lịch và thúc đẩy các bên kiến tạo sáng kiến và giải pháp giảm thiểu và tái chế rác thải, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên cho Việt Nam.
Sự kiện cũng sẽ nâng cao nhận thức và hiểu biết cho cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa đối với đại dương, nền kinh tế và sức khỏe con người, từ đó thúc đẩy sự tham gia tích cực của mọi người dân, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, thanh niên, sinh viên, học sinh thay đổi hành vi và hành động không sử dụng các đồ nhựa dùng một lần như ống hút, cốc nhựa, thìa dĩa, hộp xốp, túi nilon, áo mưa một lần…
Bà Nguyễn Ngọc Lý nhấn mạnh “Thay đổi thói quen của chúng ta trong việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần chính là hành động thiết thực nhất để bảo vệ môi trường. Từ cá nhân đến gia đình hãy cùng nhau giảm thiểu việc dùng sản phẩm nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, áp dụng những giải pháp để thay thế cũng như những sáng kiến để tái chế sản phẩm nhựa dùng một lần. Hãy hành động ngay hôm nay để bảo vệ Trái Đất của chúng ta”.
Ông Phạm Hữu Trí, Giám đốc Nhà máy Coca-Cola tại Hà Nội cho biết: Tại Coca-Cola, chúng tôi tin rằng mỗi bao bì đều có giá trị, vì thế chúng ta nên thu thập và tái chế các bao bì đã qua sử dụng thành bao bì mới hay dùng cho mục đích khác.
Với mục tiêu toàn cầu xây dựng “Một thế giới không rác thải”, đến năm 2030 sẽ thu gom và tái chế tương đương 100% lượng chai và lon bán ra trên thị trường, Coca-Cola không ngừng nỗ lực trong việc đem đến những cải tiến về bao bì, các chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như xây dựng hệ thống phân loại và thu gom rác thải nhựa hiệu quả. Chương trình ngày hôm nay là một điển hình cho sự hợp tác của Coca-Cola trong hợp tác công tư, góp phần hỗ trợ xây dựng thói quen tích cực cho cộng đồng trong nỗ lực quản lý và tái chế rác thải nhựa”.
Ngày Trái Đất 22/4 được Liên hợp quốc công nhận năm 2009, trở thành sự kiện thường niên được cả thế giới tổ chức, nhìn nhận về giá trị môi trường tự nhiên của Trái Đất, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để chung tay bảo vệ hành tinh. Sự kiện Ngày Trái Đất 2019 được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình truyền thông thay đổi hành vi xả rác thải của người dân Việt Nam...
Cũng tại buổi lễ hưởng ứng Ngày trái đất 2019 “Vì một thế giới không rác thải” sẽ diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa mang tính tương tác cao như chạy vì một thế giới không rác thải xung quanh hồ Hoàn Kiếm của 500 người; Triển lãm các sáng kiến giảm thiểu, tái chế rác thải của 15 đơn vị là các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, đội/nhóm tình nguyện môi trường, các trường học; Hoạt động đổi rác thải phế liệu - rác thải điện tử lấy các sản phẩm thân thiện môi trường; Trò chơi nâng cao nhận thức về tác hại rác thải nhựa...