Cụ thể, Nghị quyết cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo tại nghị trường sáng 19/6. Ảnh: Quốc Khánh |
HĐND TP Hà Nội được quyền quyết định một số khoản thu phí trên địa bàn (phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí); điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí.
Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế…
Báo cáo giải trình, tiếp thu về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trong các ngày 9/6 và ngày 12/6, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí của Hà Nội. Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn xin giữ quan điểm này, giống như Quốc hội từng quyết cho TP.HCM. Theo ông Hải, quy định này phù hợp với thực tế nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý và điều hành.
Một số ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc việc cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công, vì đây là khoản thu lớn, có thể làm mất cân đối ngân sách Trung ương.
Dẫn quy định về quản lý tài sản công, ông Hải nêu rõ cơ quan, đơn vị phải di dời trụ sở được sử dụng tối đa 70% (riêng lĩnh vực quốc phòng, an ninh là 100%) số thu tiền sử dụng đất và tài sản trên đất của trụ sở cũ để trang trải chi phí liên quan đến việc bán, di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới; 30% còn lại nộp vào ngân sách.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định cho ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% số thu nộp ngân sách nhà nước sau khi đã trừ chi phí liên quan cũng không ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách trung ương trong ngắn hạn, nhưng có ý nghĩa động viên, khuyến khích chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh sắp xếp các cơ sở nhà, đất nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công.
Ngoài ra, thành phố sẽ có thêm nguồn lực để xử lý những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho phù hợp.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. |
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần cho phép Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu như quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định của văn bản pháp luật hiện hành, từ trước đến nay, TP Hà Nội chưa có cơ sở pháp lý sử dụng các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 và 2015.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho UBND Thành phố sử dụng số thu từ cổ phần hóa nhằm tăng nguồn lực đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng quan trọng của Thủ đô, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép bổ sung cụm từ “theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ để việc tổ chức thu thoái vốn từ các tổ chức kinh tế do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý được thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Cũng theo ông Hải, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư trong dự thảo Nghị quyết. Nhưng theo báo cáo của Chính phủ, Hà Nội là địa phương không những tự bảo đảm nguồn cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định, mà còn dư nguồn khá lớn. Năm 2018 dư khoảng 21.400 tỷ đồng; năm 2019 dư khoảng 28.300 tỷ đồng; năm 2020 dự kiến dư khoảng 39.720 tỷ đồng. Do vậy, việc cho phép HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư là phù hợp.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm.