Hà Nội: Dự án 'ngâm' 10 năm làm khổ dân, chủ đầu tư nói gì?

05/08/2018 10:58

(TN&MT) - Chủ đầu tư dự án 'ngâm' 10 năm làm khổ người dân ở Hà Nội đã giải thích nguyên nhân và đưa ra một số lời hứa hẹn. Nhưng người dân ở đây cho rằng, họ...

(TN&MT) - Chủ đầu tư dự án 'ngâm' 10 năm làm khổ người dân ở Hà Nội đã giải thích nguyên nhân và đưa ra một số lời hứa hẹn. Nhưng người dân ở đây cho rằng, họ chưa thể yên tâm chấp thuận vì mọi thứ vẫn chưa được thể hiện bằng văn bản nào.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn vừa phản hồi thông tin báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh về dự án xây dựng đường nối QL3 - Cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn.

Trước đó, báo Tài nguyên & Môi trường có bài viết "Sóc Sơn-Hà Nội: Dự án 'ngâm' mười năm, dân sống dở chết dở" phản ánh dự án xây dựng đường nối QL3 - Cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn kéo dài gần 10 năm nay nhưng vẫn chưa xong. Việc giải tỏa đền bù cho người dân cũng không thỏa đáng khiến họ sống dở chết dở.

Theo phản hồi, dự án xây dựng đường nối QL3 - Cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2009 gồm 2 tuyến đường. Tuyến 1 dài hơn 3km. Tuyến 2 dài hơn 1km. 

Trái với phản ánh của người dân, chủ đầu tư cho rằng, chủ trương thu hồi đất đã được UBND huyện Sóc Sơn thông báo rộng rãi. BQL dự án cũng đã phối hợp với UBND xã họp các hộ dân công khai chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
37945966 1735596423156660 8657336493028671488 n
Nhiều năm qua, người dân ở đây sống trong những căn nhà lụp xụp vì xây không được, ở không xong

Năm 2014, do khó khăn nguồn vốn, UBND Hà Nội giảm mức đầu tư còn 360 tỷ đồng, cắt giảm đoạn đường qua đất thổ cư 34 hộ dân xã Mai Đình và giao huyện Sóc Sơn đầu tư các hạng mục còn lại. Do huyện thiếu vốn và đây lại là dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố, dự án đã bị dừng trong 3 năm đến hết 2016. Thời gian này, dự án bị kiểm toán và thanh tra toàn diện. 

Đến năm 2017, dự án lại được điều chỉnh, không cắt giảm đoạn qua 34 hộ dân nữa và tiếp tục bố trí 120 tỷ đồng. BQL dự án tiếp tục GPMB.

BQL dự án Sóc Sơn cho rằng, trong 10 năm, sau khi dự án triển khai và thông báo thu hồi đất, các hộ dân đã sửa chữa, nâng cấp một số công trình như nhà, tường rào,... Do vậy, theo quy định, những tài sản này chỉ được hỗ trợ 10% đơn giá bồi thường. 

Tuy nhiên các hộ dân không đồng ý và cho rằng phải được bồi thường 100% đơn giá. Lý do là dự án đã kéo dài và dừng thi công nhiều năm. Theo BQL dự án, để chia sẻ với người dân do dự án kéo dài 10 năm gây nhiều khó khăn, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề xuất Thành phố xem xét nâng mức bồi thường tài sản lên 100%. Nhưng việc này chưa được Thành phố đồng ý.

Cơ quan này cũng giải thích thắc mắc của người dân về việc đơn giá bồi thường khác nhau. Theo đó, Ban bồi thường GPMB xác định 4 loại vị trí trên đường qua các xã. Các loại vị trí có mức giá khác nhau.

Theo chủ đầu tư, dự kiến bố trí khu tái định cư Tiên Dược - Mai Đình nhưng khu này đã hết quỹ vì bố trí cho nhiều dự án. Mặt khác, nhiều hộ dân có nguyện vọng bố trí tái định cư tại chỗ (gần nơi bị thu hồi) để tiện canh tác nông nghiệp, phù hợp phong tục tập quán gia đình làng xóm. UBND huyện Sóc Sơn đã đề xuất bố trí tái định cư và khu Tây Bắc thôn Hương Đình Đoài, xã Mai Đình. Hiện khu đất đang được GPMB và sẽ bố trí cho các hộ dân đấu giá quyền sử dụng đất. Theo BQL, điều này đã được liên ngành thống nhất và Sở TN&MT sẽ thay mặt báo cáo để UBND Hà Nội chấp thuận.

"Điều này sẽ đáp ứng tâm tư nguyện vọng của các hộ dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án." - Chủ đầu tư nhận định.

Như đã đưa tin, người dân xã Mai Đình phản ánh, 10 năm rồi mà con đường vẫn nằm dở dang, trong khi nhiều nhà dân ở đây đi không được ở không xong. Suốt thời gian dài, nhà của họ vẫn ở đó mà không được xây dựng. Nhà người dân xuống cấp trầm trọng nhưng không được xây dựng mới, đã có ngôi nhà sập xuống nhưng cũng không được xây dựng lại. Có những ngôi nhà mưa dột trong ngày mưa bão những cũng không được sửa sang. 

Theo người dân ở đây, giá đền bù như vậy là quá rẻ mạt trong khi gia đình họ gồm nhiều thành viên, sinh sống nhiều thế hệ ở đây. Nay nhận tiền đền bù rồi không biết có kiếm nổi đất chỗ khác mà ở hay không. Giá cả đền bù cùng một khu vực lại chỗ cao chỗ thấp rất khó hiểu. Người dân khiếu nại nhiều lần nhưng chính quyền địa phương cũng không đưa ra lời giải thích nào rõ ràng.  

Chính lãnh đạo UBND xã Mai Đình cũng thừa nhận, dự án chậm trễ khiến người dân chịu rất nhiều thiệt thòi vì nhà xuống cấp nhưng nằm trong dự án nên không thể xây dựng. Xã cũng mong muốn giải quyết sớm cho người dân.

Trao đổi với PV, người dân cho biết, quá trình khiếu nại, họ cũng được cán bộ huyện và xã đưa ra những lời hứa hẹn như trên và vận động trước mắt cứ nhận mức bồi thường như đã quy định, sau đó sẽ bổ sung. Tuy nhiên, họ chưa nhìn thấy văn bản nào thể hiện yêu cầu của họ được chấp thuận. Vì vậy họ vẫn chưa thể đồng ý.

Báo Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Dự án 'ngâm' 10 năm làm khổ dân, chủ đầu tư nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO