Hà Nội: Đề xuất tịch thu ô tô, xe máy quá cũ gây khói bụi ô nhiễm

25/05/2017 00:00

Theo kết quả quan trắc tự động, đa phần chất lượng môi trường không khí toàn thành phố thời gian qua đạt mức trung bình cho tất cả các tháng mùa mưa cũng như...

Theo kết quả quan trắc tự động, đa phần chất lượng môi trường không khí toàn thành phố thời gian qua đạt mức trung bình cho tất cả các tháng mùa mưa cũng như mùa khô.
 
Cập nhật liên tục trong ngày
 
Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, khoảng 8h sáng 25-5, thời điểm các phương tiện tham gia giao thông tấp nập nhất trong ngày, tại 10 điểm quan trắc môi trường không khí ở khu vực trung tâm Hà Nội, các chỉ số đo được đều nằm trong giới hạn an toàn (ở mức Tốt - AQI từ 0-50). Trong đó, AQI thấp nhất (chất lượng không khí tốt nhất) là khu vực Kim Liên (quận Đống Đa – AQI = 11) và cao nhất là ở khu vực Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm – AQI = 43). Cũng tại điểm Hàng Đậu, trong ngày 24-5, chỉ số AQI có lúc vượt lên mức Trung bình (từ 50-100). Cụ thể, thời điểm trưa 24-5, AQI tại đây cao nhất ở mức 77. Tuy nhiên, trong 2 ngày qua, mức AQI cao nhất (93) thuộc về khu vực Nhổn – quận Bắc Từ Liêm, tức là gần tới mức Kém.
 
Toàn bộ các thông số trên được cập nhật theo các khung giờ khác nhau và công khai trên trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội, tại địa chỉ moitruongthudo.vn. Người dân có thể vào địa chỉ này để tự theo dõi diễn biến chất lượng môi trường không khí tại các thời điểm theo nhu cầu.
Kết quả quan trắc môi trường không khí được công khai tại moitruongthudo.vn
Kết quả quan trắc môi trường không khí được công khai tại moitruongthudo.vn

Lo ngại ô nhiễm bụi

Điểm lại tình hình chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội những năm gần đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, khu công nghiệp, đường giao thông, làng nghề của thành phố có xu hướng được cải thiện. Riêng chỉ tiêu Benzen, mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam nhưng có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu xăng.
 
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn tại ở khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng. Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại một số thời điểm đã vượt giới hạn cho phép.
 
Vấn đề đáng quan tâm nhất đối với chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội hiện nay là chỉ tiêu bụi tổng số, bụi PM10 và bụi PM2.5 tại một số vị trí và một số thời điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã vượt QCVN 05/2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về không khí xung quanh.
 
Các hoạt động xây dựng, giao thông làm phát sinh lượng bụi rất lớn
Các hoạt động xây dựng, giao thông làm phát sinh lượng bụi rất lớn
Nhiều giải pháp đồng bộ
 
Vừa qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí. Theo đó, thành phố đã lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến) do Tập đoàn Environment SA - Pháp cung cấp. Tất cả số liệu quan trắc từ các trạm quan trắc tự động được cập nhật 24/24, sau đó được truyền về Trung tâm điều hành, quản lý dữ liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và công bố trên Cổng thông tin moitruongthudo.vn.
 
Thành phố cũng đã yêu cầu các khu công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm theo dõi, đánh giá và phát hiện kịp thời các sự cố về môi trường; Quy hoạch xây dựng bãi tập kết các phế thải tiêu hủy, áp dụng công nghệ xử lý phế thải tiêu hủy theo đúng tiêu chuẩn và quy định, đảm bảo vừa tái chế chất thải, giảm lượng phế thải tiêu hủy gây ô nhiễm môi trường; Kiểm soát chặt chẽ về các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm bụi đối với tất cả các công trường thi công xây dựng các công trình ở khu vực nội thành.
 
Sở TN-MT còn phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng kiểm trong việc đăng kiểm mới và định kỳ khi cho lưu hành các loại phương tiện giao thông và xe cơ giới, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, có phương án thu hồi những phương tiện quá niên hạn sử dụng gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường không khí và tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình trồng 1 triệu cây xanh để môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.
 
“Để có được những số liệu chính xác, kịp thời về chất lượng không khí của thành phố, việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động là việc vô cùng cần thiết”, ông Nguyễn Trọng Đông nói. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai, lắp đặt thêm các trạm quan trắc không khí tự động để có thể cập nhật kịp thời, chính xác về chất lượng không khí trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, thành phố sẽ ban hành Nghị quyết về môi trường, xử lý nghiêm, triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải, nước thải đến ô nhiễm không khí góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh, lịch sự…
 
Theo An Ninh Thủ Đô
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đề xuất tịch thu ô tô, xe máy quá cũ gây khói bụi ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO