Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, Sở Xây dựng đã chủ trì nghiên cứu, phối hợp các sở ngành tham mưu UBND thành phố ban hành quy định quản lý về thoát nước, xử lý nước thải (XLNT) và các quy trình, định mức, đơn giá thực hiện công tác duy tu, duy trì công trình thoát nước, XLNT trên địa bàn thành phố.
Sở cũng đã triển khai kế hoạch thoát nước mùa mưa hằng năm; kiểm tra việc thực hiện duy tu duy trì hệ thống thoát nước… Kết quả thực hiện thoát nước đô thị và giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ, thành phố đến hết năm 2021 đã giải quyết 5/16 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính, 11 điểm còn lại đã có giải pháp thực hiện dần theo những dự án đã và đang xin chủ trương thực hiện; các điểm nhỏ lẻ khác, thời gian rút nước nhanh cũng bố trí ứng trực, giảm thời gian và chiều sâu úng ngập.
Về tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn khu vực đô thị, hiện thành phố đạt 28,8% (tổng công suất 267.300 m3/ngđ), đến 2024 khi dự án xây dựng hệ thống XLNT Yên Xá công suất 270.000 m3/ngđ hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ nâng tổng công suất XLNT đô thị lên 537.000 m3/ngđ, đạt khoảng 50%.
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thực hiện phân cấp theo Quyết định 14/2021/QĐ ngày 6/9/2021, công tác quản lý, vận hành, duy trì hệ thống thoát nước đô thị và XLNT trên địa bàn thành phố được thực hiện theo hình thức đấu thầu gồm 14 gói thầu giai đoạn 2019-2024, trong đó 9 gói thầu duy trì thoát nước và 5 gói thầu quản lý vận hành XLNT. Ngoài ra, Sở đang triển khai 21 hạng mục sửa chữa, xử lý sự cố thoát nước trên địa bàn thành phố để giảm thiểu vị trí úng ngập, đọng nước nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thoát nước và XLNT đô thị, Sở Xây dựng kiến nghị HĐND, UBND thành phố chỉ đạo tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước. Phân cấp cho 5 huyện xây dựng Đề án phát triển thành quận vào năm 2025 chủ động trong đầu tư và quản lý sau đầu tư công trình XLNT phân tán bằng ngân sách địa phương; phân cấp ủy quyền cho UBND quận, huyện quản lý toàn bộ đất đai, an ninh trật tự, các loại hình kinh doanh trên mặt hồ hoặc xây dựng quy chế quản lý hồ trên địa bàn....
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận kết quả đạt được của Sở Xây dựng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về thoát nước và XLNT trên địa bàn thành phố, song cũng đề nghị lãnh đạo Sở làm rõ hướng giải quyết trước những bất cập, hạn chế hiện nay. Trong đó, làm rõ hiệu quả quản lý Nhà nước trước tình trạng đầu tư một số trạm XLNT nhưng còn lãng phí, có thể vận hành trạm nhưng không phát huy hết công suất hoặc để bỏ không thời gian dài. Dự án thoát nước Yên Xá đề ra tiến độ đến năm 2024 để thành phố đạt mục tiêu XLNT đạt 50% là tiến độ rất chậm.
Đánh giá cao nỗ lực của Sở Xây dựng Hà Nội trong công tác quản lý hoạt động thoát nước và XLNT trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cũng lưu ý một số tồn tại cần tập trung khắc phục. Trong đó, bãi đổ Yên Sở được xây dựng và hoạt động theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt sử dụng công nghệ chôn lấp bùn thải thoát nước chưa có khu vực xử lý bùn thải từ các nhà máy XLNT, cần bổ sung.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố cũng chỉ ra, các hồ điều hòa hiện tạm dừng xử lý chất lượng nước, nhưng nhiệm vụ tham gia thực hiện trong công tác điều hòa khi mưa, việc vận hành các hồ yêu cầu đặt ra phải đáp ứng nhiệm vụ kép là vừa đảm bảo môi trường hồ vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống úng ngập, nên cần tiếp tục quan tâm môi trường nước hồ. Đồng thời, quan tâm nghiệm thu, thanh quyết toán với một số hạng mục giao bổ sung cho đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước, XLNT và các khối lượng phát sinh, bổ sung trong các gói thầu…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố đề nghị Sở Xây dựng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thoát nước, XLNT theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô đảm bảo kế hoạch, chất lượng, tiến độ. Khẩn trương phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương rà soát Quy hoạch này để đề xuất điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp thực tiễn, báo cáo UBND thành phố, nhằm đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí.
Cùng đó, đề nghị Sở Xây dựng tăng cường, chủ động phối hợp các sở, ngành hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Quá trình thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong thoát nước, XLNT đã được tích cực thực hiện nhưng để đảm bảo tuân thủ pháp luật thì ý thức của người dân và các tổ chức kinh doanh chưa thực sự nghiêm túc, bởi mức xử phạt nhiều khi chưa đủ sức răn đe, nên tới đây Sở Xây dựng cùng các ngành cần đề xuất giải pháp.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố tổng hợp, lập kế hoạch chung và giao kế hoạch, bố trí đủ nguồn vốn các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước và XLNT bằng nguồn vốn ngân sách phù hợp tiến độ, kế hoạch; nghiên cứu tham mưu cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng công trình thoát nước và XLNT đô thị theo các hình thức xã hội hóa…