Hà Nội: Cụ thể hóa một số nội dung đánh giá tác động môi trường làng nghề

Tuyết Chinh| 25/10/2019 10:37

(TN&MT) - Các cơ sở hoạt động trong làng nghề phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc  xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, hoặc có báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Công văn số 9845/STNMT-CCBVMT cho ý kiến nội dung thực hiện đánh giá tác động môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.

Nội dung công văn nêu rõ, các cơ sở hoạt động trong làng nghề phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc có báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định (trừ đối tượng quy định tại mục 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10, 11 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ) hoặc hồ sơ, thủ tục tương đương.

Ảnh minh họa

Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường: Chủ dự án của các đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm tự thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường và các thông tin, số liệu được sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hiện nay, chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý cho việc lập dự toán kinh phí thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ, thủ tục tương đương.

Đối với việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, lưu ý: Cấu trúc và nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thực hiện theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục VI Mục I Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Căn cứ vào cấu trúc, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, loại hình hoạt động sản xuất tại từng làng nghề để đề xuất các hạng mục, thông số quan trắc, vị trí quan trắc, số lượng hạng mục thực hiện và đơn giá thực hiện theo các quy định về tài chính hiện hành. Việc lựa chọn các thông số quan trắc phân tích phải căn cứ vào loại hình hoạt động sản xuất tại các làng nghề để lựa chọn các thông số quan trắc đặc trưng và so sánh, đối chiếu với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện hành.

Việc đánh giá hiện trạng môi trường không khí xung quanh chỉ yêu cầu đối với những dự án phát sinh bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường hoặc dự án sử dụng mô hình tính toán lan truyền ô nhiễm (nếu có). Việc đo đạc, lấy mẫu, phân tích mẫu phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 1/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Điều 21, Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển: Được ưu tiên phân bổ ngân sách, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan; giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong các hoạt động thương mại, du lịch; đào tạo, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và cán bộ quản lý môi trường cấp xã.

Đồng thời, được ưu tiên trong quả trình xét duyệt và cho vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng về môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Bảo vệ môi trường ngành và Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương đối với các đối tượng có dự án bảo vệ môi trường theo quy định về tổ chức hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, còn được ưu tiên trong quá trình xem xét, lựa chọn thực hiện chương trình khuyến công, khuyến nông, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; được ưu tiên trong việc tiếp nhận, triển khai các mô hình xử lý chất thải từ các dự án quốc tế, các nhiệm vụ, đề tài, dự án từ ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cụ thể hóa một số nội dung đánh giá tác động môi trường làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO