Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu xem Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Hà Nội. Ảnh: Gia Huy |
Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Bảo đảm nguyên tắc bảo tồn và phát triển
Theo công bố các Đồ án quy hoạch của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, tổng diện tích đất được quy hoạch hơn 2.700 ha, dân số hiện trạng theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là trên 887.000 người, dân số theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 672.000 người.
Về quan điểm bảo tồn và phát triển, Quy hoạch tuân thủ theo đúng định hướng Quy hoạch chung Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Riêng đối với khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia, khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt và các công trình di tích, tôn giáo, danh thắng..., ngoài tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch đô thị và các nghị định có liên quan, việc quản lý, bảo tồn cần bám sát quy định của Luật Di sản văn hoá và các văn bản pháp luật có liên quan.
Về tính chất và chức năng chủ yếu, tại khu vực phố cổ, phố cũ, Hồ Gươm và phụ cận khu phố cổ (thuộc QHPK H1-1A) là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa. Các chức năng chủ yếu: Thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.
Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (thuộc QHPK H1-1B) là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Các chức năng chủ yếu: Trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử-văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.
Khu phố cũ (thuộc QHPK H1-1C và một phần các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4): Là khu đô thị cũ có nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chủ yếu: Di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế và các chức năng công cộng khác.
Tại khu vực hạn chế phát triển (phần còn lại các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4) là khu vực cải tạo và hạn chế phát triển xây dựng nhà ở cao tầng. Các chức năng chủ yếu: Nhà ở, cơ quan, di sản, di tích, du lịch, dịch vụ thương mại, tiện ích đô thị...
Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho biết, về các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (tổng thế) cơ bản tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Cụ thể, đất công cộng đô thị, hỗn hợp có tổng diện tích khoảng 284,54 ha (tỷ lệ 10,89%); đạt chỉ tiêu khoảng 4,39 m²/người; bao gồm đất cây xanh, mặt nước, TDTT đô thị có tổng diện tích khoảng 247,14 ha (tỷ lệ 9,46%), đạt chỉ tiêu khoảng 3,82 m/người.
Đất trường trung học phổ thông có tổng diện tích khoảng 18,34 ha (tỷ lệ 0,7%); đạt chỉ tiêu khoảng 0,28 m/người - tương ứng 7,1 m2/học sinh. Đất giao thông đô thị có tổng diện tích khoảng 471,22 ha (tỷ lệ 18,04%); đạt chỉ tiêu khoảng 7,28 m/người. Đất đơn vị ở có tổng diện tích khoảng 1.343,35 ha (tỷ lệ 51,43%); đạt chỉ tiêu khoảng 20,75 m/người...
Các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Hà Nội. Ảnh: Gia Huy |
Cấu trúc không gian được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành các ô phố với lõi trung tâm. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Các công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các trục tuyến phù hợp Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc tại khu vực; tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng xem xét ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích đô thị: Cây xanh, đỗ xe...
Các Đồ án quy hoạch phân khu đô thị đã được nghiên cứu tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; khớp nối đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị Thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (giao thông vận tải, cao độ nền và thoát nước mặt đô thị, cấp điện đô thị, cấp nước đô thị, thoát nước thải đô thị, thông tin liên lạc....), cũng như các quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt trong thời gian qua mạng lưới trường học, cây xanh, mạng lưới bán buôn bán lẻ, y tế, tư pháp..), quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.
Cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, công tác quy hoạch, phát triển đô thị luôn được Chỉnh phủ, các bộ, ngành, Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách. Quy hoạch luôn được xác định là phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quản lý phát triển đô thị và hình thành các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; cải thiện về cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Kinh tế đô thị từng bước khẳng định được vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, gia tăng giá trị lao động tại mỗi vùng và cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch TP. Hà Nội, sau 10 năm Hà Nội mới phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng bảo đảm đúng quy trình, đúng quy định. Quy hoạch này nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1//2000 được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để xác định các dự án đầu tư xây dựng và triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phổ cổ, phố cũ và làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế.