Đầu tư - Tài chính

Hà Nội: Cầu Tứ Liên chưa thể khởi công trong năm 2025

Cao Sơn 29/09/2024 - 23:52

(TN&MT) - Thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện cả hai cây cầu này mới đang ở những bước sơ khai, thông qua chủ trương đầu tư.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, cầu Tứ Liên là công trình giao thông quan trọng của Thủ đô, cầu nằm trong quy hoạch giao thông Thủ đô và cũng là công trình giao thông quan trọng nằm trong Chương trình 03 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 mới chỉ đặt vấn đề chuẩn bị công tác đầu tư, để làm cơ sở tổ chức đấu thầu, chưa có kế hoạch cụ thể nào xác định thời điểm khởi công trong thời điểm này. Việc có khởi công hay không còn phụ thuộc vào các thủ tục và tiến trình nghiên cứu phương án đầu tư.

1.jpeg
Cầu Tứ Liên chưa thể khởi công trong năm 2025.

Vừa qua, Sở GTVT đã phối hợp với Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc nghiên cứu dự án cầu Tứ Liên theo phương thức PPP, loại hợp đồng EPC+F. Trong đó, cầu có chiều dài toàn tuyến là 11,5km, bao gồm 5km đường dẫn và cầu chính, ngoài ra còn 6km nối từ đường 5 kéo dài đến cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên. Tổng mức đầu tư toàn dự án là 22.000 tỷ đồng.

Song, mô hình hợp đồng EPC+F là loại mô hình mới, trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng chưa xác định về mô hình này nên khó triển khai.

Tại cuộc làm việc gần đây nhất vào đầu tháng 9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có thông báo giao lại cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở GTVT nghiên cứu đầu tư công đối với dự án cầu Tứ Liên. Tuy nhiên, vốn của TP sẽ đầu tư phần cầu chính và đường dẫn 2 đầu cầu, còn đoạn từ đường 5 kéo dài đến cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên sẽ giao cho UBND huyện Đông Anh làm chủ đầu tư.

“Như vậy, theo lộ trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của thành phố thì chưa xác định nguồn vốn để xây dựng cầu Tứ Liên tại thời điểm này. Giai đoạn này cầu Tứ Liên có trong danh mục các dự án đầu tư nhưng mới dừng lại ở bước chuẩn bị”- ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, dự báo nhanh nhất, tiến độ các bước thuận lợi nhất thì cũng phải cuối năm 2025 mới xong các thủ tục, chủ trương đầu tư. Vì quy trình chuẩn bị đầu tư một dự án lớn rất phức tạp, từ tư vấn thiết kế, thi công đến đấu thầu…. Bên cạnh đó, một nguyên nhân lớn nữa là phải phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn của TP.

Cùng lúc, TP cũng đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, đặc biệt như dự án Vành đai 4. Bên cạnh đó, một loạt các công trình cầu yếu, cầu tạm cấp bách cần phải đầu tư, nâng cấp, nhất là sau cơn bão số 3 vừa qua khiến cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C bị sập đổ, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và hư hỏng kết cấu công trình của Nhà nước.

Cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà trên Vành đai 4, cầu Vân Phúc, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát… Trong đó, cầu Thượng Cát và cầu Vân Phúc đã và đang hoàn thiện chủ trương đầu tư. Như vậy, cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng đạo về tiến trình đầu tư còn sau một loạt các dự án cầu kể trên.

Trong đó, cầu Trần Hưng Đạo hiện TP đang giao cho Sở GTVT đổi chủ trương đầu tư, từ đầu tư PPP sang đầu tư công, và như vậy phải cân đối nguồn vốn. TP Hà Nội xác định phải sắp xếp thứ tự đầu tư, ưu tiên bố trí vốn đầu tư, không được phép đầu tư dàn trải mà phải đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đầu tư dứt điểm dự án. Thủ tục đầu tư dự án nào hoàn thành trước sẽ được ưu tiên triển khai đầu tư trước.

3.jpeg
Công ty CP Him Lam "bỏ" công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.

Theo thông tin của phóng viên được biết, ngày 4/9/2024, Công ty CP Him Lam đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc xin dừng công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.

Theo đó, lãnh đạo Công ty CP Him Lam cho biết, đối với 2 phương án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo: phương án 1 nếu đầu tư dự án BOT theo đúng quy định, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 50% và nhà đầu tư 50% thì không có thời hạn hoàn vốn cho nhà đầu tư;

Phương án thứ 2: nếu thời hạn hoàn vốn 26 năm thì tỷ lệ nguồn vốn sẽ là ngân sách 70,4% và nhà đầu tư 29,65% thì trái với quy định của Luật hiện hành.

Do vậy, Công ty CP Him Lam nhận thấy việc đầu tư dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT không đúng với Luật PPP. Công ty CP Him Lam đề nghị TP Hà Nội cho phép Him Lam dừng việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và bàn giao lại cho TP Hà Nội toàn bộ hồ sơ đã nghiên cứu về dự án cầu Trần Hưng Đạo để TP tiếp tục nghiên cứu đầu tư theo hình thức khác khả thi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cầu Tứ Liên chưa thể khởi công trong năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO