Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, trong số 43 dự án FDI được cấp phép mới có 41 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 2 dự án liên doanh, liên kết.
Cùng với đó, có 10 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 5,3 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 35,7 triệu USD.
Hà Nội cấp phép mới 43 dự án trong tháng 2/2020. Ảnh minh họa |
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 19/2/2020, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn đạt 205,3 triệu USD, trong đó đăng ký mới 111 dự án với số vốn đạt 52,9 triệu USD; 17 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 76,7 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 75,7 triệu USD.
Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, trong tháng 1/2020, TP. Hà Nội có 68 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 30,2 triệu USD, trong đó có 61 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 7 dự án liên doanh, liên kết.
Bên cạnh đó, có 7 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn bổ sung đạt 71,4 triệu USD. Cũng trong tháng 1/2020, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần đạt 40 triệu USD.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về ảnh hưởng của COVID-19 tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực nêu rõ, nhìn chung, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà đầu tư nước ngoài vẫn dành cho Việt Nam sự quan tâm lớn. Làn sóng đầu tư toàn cầu tiếp tục có sự chuyển dịch, tái cơ cấu trước tác động bất lợi từ dịch Covid-19.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đã đưa ra các kịch bản thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020 trong bối cảnh có dịch Covid-19. Cụ thể, nếu dịch kết thúc vào quý I, tổng vốn đầu tư nước ngoài là 38,6 tỷ USD; nếu kết thúc vào quý II con số này sẽ là 38,2 tỷ USD. Cả hai mức dự báo trên đều cao hơn kết quả năm 2019 là 38 tỷ USD và xấp xỉ mục tiêu 39,6 tỷ USD ban đầu (đề ra khi chưa có dịch Covid-19)
Yêu cầu của Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Hà Nội là cần kiên trì mục tiêu tăng trưởng, đồng thời tiếp tục tăng tốc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh để Việt Nam tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn nguồn vốn quốc tế.
Căn cứ tình hình 2 tháng đầu năm 2020, kịch bản tăng trưởng của cả nước, đánh giá tác động của dịch bệnh đến phát triển của các ngành, lĩnh vực và những tình huống giả định của dịch bệnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2020 của TP Hà Nội.
Cụ thể, Kịch bản 1, quý I hết dịch, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV bứt tốc để cả năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Kịch bản 2, quý I kiểm soát được dịch nhưng vẫn ảnh hưởng sang các quý sau, tăng trưởng không thể bứt tốc và cả năm đạt thấp hơn kế hoạch. Kịch bản 3, dịch bệnh kéo dài đến quý II và còn ảnh hưởng sang các quý tiếp theo, năm 2020 tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch. Các kịch bản được xây dựng dựa trên biến động của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ...