Hà Nội: Cần siết chặt quản lý đất công, nhà công

19/05/2015 00:00

(TN&MT) - Nhà - đất công được Nhà nước giao không sử dụng lại đem cho thuê, cho mượn sai mục đích, nhiều Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đang hàng tháng kiếm tiền dễ dàng trên những gì không thuộc về họ dẫn tới Nhà nước thất thu ngân sách. Thực trạng này đang tồn tại giữa Thủ đô Hà Nội đòi hỏi các cơ quan quản lý cần khẩn trương chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, tập đoàn, Tổng công ty, trên địa bàn Hà Nội đến nay còn khoảng 200 cơ sở nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích được giao, trong đó, 60 cơ sở cho thuê, cho mượn; 5 cơ sở liên doanh liên kết không đúng quy định; 90 cơ sở bố trí làm nhà ở đan xen trong khuôn viên cần phải di dời; còn lại là các cơ sở sai phạm khác như bị lấn chiếm, bố trí cho các đối tượng khác sử dụng...

Đơn cử như, Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội được giao quản lý 1.075 cơ sở nhà, đất với gần 189.000m2 nhà và 16,6ha đất, có đến 152 điểm bị sử dụng sai mục đích. Trong đó, 46 điểm chuyển nhượng, cho thuê lại; 89 điểm chuyển thành nhà ở một phần hoặc toàn bộ; 17 điểm nợ đọng tiền thuê nhà, đất... Công ty còn tự ý bố trí cho 14 doanh nghiệp được sử dụng hơn 4.000m2 của quỹ nhà kinh doanh dịch vụ tại khu chung cư tái định cư, khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Theo Cục Thuế Hà Nội, toàn bộ số tiền nợ đọng của đơn vị này lên tới gần 200 tỷ đồng.

Đặc biệt, kết luận thanh tra mới đây của Thanh tra Chính phủ việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, ở một số địa bàn trong thành phố còn buông lỏng quản lý đất công nhà công. Cụ thể, quận Cầu Giấy, huyện Từ Liêm (cũ) công tác quản lý đất công còn thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, minh bạch như: Không có hồ sơ địa chính, không có sổ cập nhật biến động đất công theo quy định của pháp luật đất đai; lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép; cho thuê trái phép; bồi thường đất, tài sản trên đất công; hợp thức hóa hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được xử lý…

Khu đất công được sử dụng sai mục đích. Ảnh: MH
Khu đất công được sử dụng sai mục đích. Ảnh: MH

Ngoài ra, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển nông thôn có tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình trái phép trên đất nhận khoán, mua bán chuyển nhượng trái pháp luật, lấn chiếm, tranh chấp đất đai đang tiền ẩn những mâu thuẫn phức tạp. Việc quản lý, sử dụng nhà, đất của Công ty Bảo hiểm Hà Nội có sai phạm cần phải xem xét, xử lý…

Có rất nhiều lý do dẫn tới tình trạng nhà công bị một số đối tượng lợi dụng kiếm lời. Theo các chuyên gia nguyên nhân là do lịch sử để lại, tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn nội thành rất phức tạp về loại hình sử dụng như: Nhà chính sách, nhà công tư xen kẽ, nhà để lại sau cải tạo… Quan trọng hơn, hệ lụy khó giải quyết hôm nay nguyên do từ việc buông lỏng quản lý trong một thời gian dài, dẫn đến hiện tượng lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn bừa bãi...

Mặt khác, mặc dù cơ chế, chính sách sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm và mang tính hình thức, đối phó ở một số cơ quan, đơn vị. Một số Bộ, ngành, địa phương, tập toàn, tổng công ty nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc sắp xếp xử lý nhà, đất nói riêng và việc khai thác, quản lý có hiệu quả nguồn lực tài sản là nhà, đất nói chung. Chính điều này gây thất thoát rất lớn ngân sách Nhà nước.

Để tháo gỡ về cơ chế quản lý về đất công, nhà công, mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 41 về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Thông tư quy định việc thanh toán số tiền hỗ trợ di dời các hộ gia đình, cá nhân đã bố trí làm nhà ở trong khuôn viên cơ sở nhà, đất khác (nếu có) của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức thuộc cùng phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, còn quy định thời hạn các tổ chức, cá nhân phải nộp số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tài khoản tạm giữ, thời hạn chủ tài khoản tạm giữ giải quyết hồ sơ và thực hiện chi tiền từ tài khoản tạm giữ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định rõ quy trình ghi thu, ghi chi ngân sách Nhà nước đối với số tiền thu được từ việc sắp xếp lại nhà đất đã được sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng của địa phương và hỗ trợ di dời các hộ gia đình cá nhân.

Thiết nghĩ, quỹ nhà công, đất công là nguồn tài sản lớn. Chính vì vậy, cần phải được quản lý chặt chẽ, bảo đảm các đơn vị được thuê sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, tránh tình trạng quản lý lỏng lẻo như hiện nay, dẫn đến việc các đơn vị lợi dụng để kiếm lời, trong khi Nhà nước thất thu lớn. Do đó, các Bộ, ngành và thành phố Hà Nội cần tiến hành rà soát, phân loại sử lý dứt điểm các sai phạm, không để lãng phí nhà công, đất công này.

T. Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Cần siết chặt quản lý đất công, nhà công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO