Hà Nam: Tích cực xoá bỏ lò vôi thủ công

27/08/2019 18:26

(TN&MT) – Nghề sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Hà Nam được hình thành từ lâu đời, trải qua quá trình hoạt động các lò vôi thủ công đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân quanh khu vực, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình.

Anh 1 (1)
Xoá bỏ lò vôi thủ công không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn ổn định đời sống và sức khoẻ của người lao động và người dân khu vực lân cận các lò vôi thủ công (ảnh minh họa).

Trước thực trạng đó, mới đây UBND tỉnh Hà Nam đã có kế hoạch số 2639/KH – UBND ngày 14/09/2018 về xoá bỏ các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Lộ trình xoá bỏ được chia làm 2 đợt, đợt 1 có 3 cơ sở (Công ty CP Đức Hồng, Công ty TNHH Văn Hoa, hộ ông Bùi Đức Nhân) với 14 trong tổng số 29 lò trên địa bàn tỉnh, cụ thể chấm dứt hoạt động tất cả các lò vôi thủ công chậm nhất trước ngày 31/10/2018; Tháo dỡ và xoá bỏ xong các cơ sở sản xuất vôi thủ công xong trước ngày 31/12/2018. Đợt 2 thì tất cả các cơ sở sản xuất vôi thủ công còn lại trên địa bàn tỉnh (15 lò của 10 cơ sở sản xuất), cụ thể chấm dứt hoạt động tất cả các lò chậm nhất vào ngày 31/10/2019, tháo dỡ và xoá bỏ xong các cơ sở sản xuất vôi thủ công xong trước ngày 31/12/2019.

Bên cạnh việc chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi theo kế hoạch, thì phải kiên quyết xử lý nếu các cơ sở sản xuất không nghiêm túc thực hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý việc tái sản xuất. Đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất vôi thủ công nghiêm chỉnh chấp hành, tạo điều kiện chuyển đổi sang sản xuất các loại hình khác để đảm bảo môi trường sinh hoạt cho dân cư xung quanh. Ngoài ra, xây dựng cơ chế hỗ trợ tháo dỡ lò vôi thủ công.

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Liêm, đến nay được sự tuyên truyền vận động tích cực của chính quyền và sự đồng thuận của các chủ lò vôi thì có 33/35 lò vôi thủ công trên địa bàn đã được các chủ lò tự tháo dỡ, vận chuyển phế thải và dọn dẹp mặt bằng, còn 2 lò cam kết đến trước ngày 30/10/2019 sẽ tự tháo dỡ và trả lại mặt bằng sạch.

Tổng kinh phí đề nghị xoá bỏ lò vôi thủ công trên địa bàn huyện Thanh Liên là trên 9,3 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ tháo dỡ 35 lò vôi thủ công là 7,95 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ người lao động ổn định đời sống, ổn định sản xuất khi tháo dỡ các lò vôi gần 1,4 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Lại Quang Tuyển – Trưởng phòng Quản lý xây dựng Sở Xây dựng Hà Nam cho biết: Sau khi có kế hoạch xoá bỏ lò vôi thủ công trên địa bàn, các chủ lò đồng thuận nhất trí cao với chủ trương của tỉnh, đến nay việc tháo dỡ đã gần như hoàn tất. Đây không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn ổn định đời sống và sức khoẻ của người lao động và người dân khu vực lân cận các lò vôi thủ công.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nam: Tích cực xoá bỏ lò vôi thủ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO