Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: chinhphu.vn |
Dự buổi lễ có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Nam qua các thời kỳ cùng đông đảo người dân Hà Nam.
Những kết quả ấn tượng
Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, 100% số xã trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tất cả 06 huyện, thị xã, thành phố và tỉnh Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Hà Nam đã huy động đầu tư gần 31.000 tỷ đồng cho xây dựng các tiêu chí NTM từ xã đến huyện. Đến nay, 100% tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn và đường trục chính nội đồng trên địa bàn tỉnh Hà Nam được đầu tư làm mới, nâng cấp đồng bộ. 100% số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn về chỉ tiêu trường THPT; đạt chuẩn về chỉ tiêu văn hóa và Trung tâm Y tế các huyện đều được công nhận là đơn vị sự nghiệp hạng III. 100% số huyện đạt chuẩn tiêu chí về y tế - văn hóa - giáo dục…
Về phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hà Nam đã xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực lúa chất lượng cao với diện tích lúa khoảng 27.000 hecta; các vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 5.000 hecta. Hơn 160 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao Bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020 cho tỉnh Hà Nam. Ảnh: hanam.gov.vn |
Tỉnh đã triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay đã công nhận 41 sản phẩm OCOP. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2020 tăng xấp xỉ 3,7 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 10,68% năm 2010 xuống còn khoảng 1,84% năm 2020.
Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao kiểu mẫu; 35 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 12-15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/người/năm trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí NTM còn dưới 0,5%, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên...
Ghi nhận những kết quả Hà Nam đạt được trong xây dựng NTM, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trao Bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020 cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Nam.
Xây dựng NTM không dừng lại, không có đích đến cuối cùng
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chúc mừng và biểu dương những thành tích của tỉnh Hà Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch.
Do đó, xây dựng NTM không dừng lại, không có đích đến cuối cùng. Vì vậy, phải luôn thúc đẩy công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM để làm tiền đề cho quá trình đô thị hoá. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh Hà Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp Nhân dân chung tay, góp sức để xây dựng NTM, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trở thành một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng Bắc bộ và vùng Thủ đô.
Theo đó, tỉnh Hà Nam cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, phải coi trọng phát triển nông nghiệp, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM. Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tập trung phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng đời sống văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng thời, Hà Nam cần tập trung phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng để hỗ trợ nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng NTM; tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là những dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam Đinh Thị Lụa trao Bằng khen cho các hộ gia đình và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM" |
Phó Thủ tướng Chính phủ gợi mở, tỉnh Hà Nam có thể tập trung phát triển một số ngành dịch vụ như du lịch, thương mại, vận tải, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá - thể thao… trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Bên cạnh đó, Hà Nam phải rà soát, cập nhật, bổ sung, lập mới các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, các quy hoạch hạ tầng khá; tập trung huy động nguồn lực để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Trong đó, ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm về giao thông vận tải, kết nối các vùng, khu vực, trung tâm kinh tế; xây dựng đồng bộ, hiện đại hạ tầng ở các đô thị; tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, xây dựng…
Tỉnh Hà Nam cần tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phát triển hệ thống y tế, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của người dân; chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; lắng nghe và kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân, không để xảy ra điểm nóng, tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định để phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết thống nhất, chủ động sáng tạo, ra sức thi đua, vượt qua khó khăn thách thức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nâng cao hơn chất lượng các tiêu chí NTM, xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, sớm đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc bộ…