Xã hội

Hà Giang xây dựng các mô hình giảm nghèo hiệu quả

Thủy Nguyễn 15/08/2023 - 21:13

(TN&MT) - Một trong những dự án mang lại hiệu quả rõ nét nhất trong công tác giảm nghèo của Hà Giang đó là hỗ trợ người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thông qua mô hình kinh tế tập thể. Dự án này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang nâng cao đời sống, từng bước thoát nghèo.

Xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị

Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, tỉnh Hà Giang có 79.102 hộ nghèo, chiếm 42,08% số hộ toàn tỉnh. Trong đó, tại 7 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 48,83% - 67,96%.

Nguyên nhân các hộ nghèo chưa thể thoát nghèo được các địa phương xác định là do thiếu đất sản xuất, thiếu nguồn vốn, lao động thiếu tay nghề, công cụ, phương tiện sản xuất. Đồng thời, các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm, dinh dưỡng của trẻ em, trình độ văn hóa của người lớn, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận thông tin.

Trước tình hình đó, địa phương đã xác định cần tập trung các giải pháp phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động, đồng thời xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo. Một trong những dự án mang lại hiệu quả rõ nét nhất trong công tác giảm nghèo đó là hỗ trợ người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thông qua mô hình kinh tế tập thể.

Nếu như trước đây, bà con nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm, thì nay đã quan tâm đến liên doanh liên kết để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa.

Tiêu biểu như mô hình tại HTX sản xuất chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì). Đây tiền thân từ một tổ hợp tác nhỏ lẻ đã trở thành một HTX có quy mô lớn và đang sở hữu một trong những danh trà thứ thiệt của Hà Giang với thương hiệu Fìn Hò Trà.

Với sự trợ giúp về vốn, cơ chế chính sách thông thoáng của các huyện, các ngành và Liên minh HTX tỉnh cùng sự năng động dám nghĩ, dám làm của những người đứng đầu, HTX Phìn Hồ đã trụ vững và phát triển trở thành một trong những HTX tiêu biểu của Hà Giang về sản xuất, chế biến kinh doanh chè.

Bà Ðỗ Thị Viết, thành viên HTX cho hay: Nhờ chính sách đổi mới của Nhà nước trong phát triển kinh tế tập thể, HTX cùng với chính sách hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững mà người dân là những thành viên có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều gia đình đã thoát được nghèo và nâng cao đời sống.

img_2266.jpg
Thương hiệu trà Fìn Hò Trà - một trong những danh trà thứ thiệt của Hà Giang

Hay tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A (huyện Đồng Văn) chuyên sản xuất vải lanh truyền thống. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương trong hình thành vùng nguyên liệu và hỗ trợ cơ sở vật chất, HTX đã hình thành chuỗi khép kín, cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho 95 thành viên ở xã Sà Phìn và nhiều xã trong huyện Đồng Văn.

Đến nay, HTX luôn có đơn đặt hàng ổn định từ các nước như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật. Bên cạnh đó, các cửa hàng thời trang trong nước cũng nhập sản phẩm của HTX. Với công việc đều đặn, mỗi thành viên HTX có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Riêng năm 2021, nhờ tham gia HTX, đã có 4 hộ thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

Cùng với HTX sản xuất chế biến chè Phìn Hồ và HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A, lạp sườn và thịt treo gác bếp lợn đen vùng cao của Hợp tác xã Hải Khang (huyện Bắc Quang); mật ong Bạc Hà Cao nguyên đá Đồng Văn của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Trường Anh (huyện Đồng Văn); rượu ngô Chí Sán của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (huyện Mèo Vạc); chè chất lượng cao Minh Quang của Hợp tác xã Minh Quang (huyện Quang Bình); tinh bột nghệ vàng của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Ngọc Sơn (huyện Bắc Mê) cũng là những sản phẩm đặc trưng của Hà Giang trong hành trình phát triển kinh tế nông thôn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

ha-giang-khai-truong-diem-trung-bay-gioi-thieu-san-pham-ocop-va-san-pham-tieu-bieu-1.jpg
Các sản phẩm OCOP Hà Giang - sản phẩm của mô hình kinh tế tập thể

Có thể thấy, phát triển các mô hình kinh tế tập thể đang giúp Hà Giang xây dựng hiệu quả các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng. Theo đánh giá của các ngành chức năng, phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong những hướng đi đúng đắn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân liên kết phát triển sản xuất.

Đến nay, Hà Giang đã có có 722 HTX và 6.232 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trong các ngành và các lĩnh vực. Ðây là một khu vực kinh tế rộng lớn có tác động quan trọng, không thể thay thế được đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là những ngành nghề như nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản, tín dụng nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, vận tải hàng hóa, hành khách... và có ảnh hưởng trực tiếp đời sống, công ăn việc làm, thu nhập cho các hộ gia đình đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng cao của tỉnh.

Đặc biệt, việc phát triển mô hình HTX đã góp phần đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.

Nhân rộng mô hình kinh tế tập thể

Để tiếp tục hướng đến giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đào tạo nghề cho lao động, kết hợp tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX; chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng; tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển HTX.

Bà Lò Thị Mỷ - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Giang cho biết, thời gian tới đơn vị này cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất, mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Qua đó, thúc đẩy phát triển các HTX mới tại những nơi đủ điều kiện và người dân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực của các địa phương. Đơn vị cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm nhiều mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang xây dựng các mô hình giảm nghèo hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO