Hà Giang: Hiệu quả từ mô hình Văn phòng đăng ký đất đai một cấp

08/09/2016 00:00

(TN&MT) - Sau gần 1 năm hoạt động, Văn phòng Đăng ký đất đai (một cấp trực thuộc Sở TN&MT - VPĐKĐĐ) tỉnh Hà Giang đã từng bước ổn định, tập trung giải quyết phần lớn hồ sơ tồn đọng và nhiều vướng mắc pháp lý của người dân trong lĩnh vực đất đai.

Giao dịch tại Văn phòng Đăng ký đất đai. Ảnh: MH
Giao dịch tại Văn phòng Đăng ký đất đai. Ảnh: MH

Thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 25/9/2015 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định 1870  về phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) trực thuộc Sở TN&MT tỉnh Hà Giang trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng VPĐKĐĐ trực thuộc Sở TN&MT và các Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất thuộc Phòng TN&MT của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, VPĐKĐĐ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2016, với tổng số biên chế chuyển nguyên trạng theo kế hoạch tỉnh giao là 56 biên chế, trong đó, Văn phòng cấp tỉnh có 23 biên chế, Văn phòng cấp huyện là 33 biên chế.

Đến nay, VPĐKĐĐ dưới sự phối hợp của các ngành, UBND các huyện, thành phố, bước đầu đã phát huy nhiều hiệu quả. Việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai đã thực sự đổi mới, đó là có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất trên toàn tỉnh, qua đó, kịp thời phát hiện những sai sót, chồng chéo. Đồng thời, thống nhất về trình tự thủ tục chuyên môn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại Chi nhánh các huyện, thành phố. Việc cập nhật các biến động, quản lý dữ liệu địa chính được đi vào nền nếp.

Bên cạnh đó, việc thống nhất một đầu mối chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quản lý đất đai đã giải quyết được nhiều vướng mắc, giảm nhiều thủ tục, nhiều quy định “con” vốn tồn tại trong hệ thống VPĐKĐĐ hai cấp trước đây. Sau khi sáp nhập, lãnh đạo Sở TN&MT đã cho cán bộ VPĐKĐĐ tỉnh trực tiếp xuống hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ các chi nhánh.

Ngoài ra, lãnh đạo VPĐKĐĐ tỉnh thường xuyên xuống các Chi nhánh đột xuất để kiểm tra và đôn đốc công việc. Đồng thời, dưới sự quản lý cấp dọc, đội ngũ cán bộ các VPĐKĐĐ Chi nhánh không chịu sự chỉ đạo chồng chéo và được tập trung làm công tác chuyên môn. Nhờ đó, thời gian giải quyết các thủ tục đất đai cho người dân được đảm bảo đúng quy định, một vài thủ tục được rút ngắn thời gian so với trước; chất lượng đội ngũ cán bộ Chi nhánh ngày càng được nâng cao; hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai từng bước được xây dựng và củng cố.

Theo Sở TN&MT tỉnh Hà Giang, Sở đã tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ đất đai theo thủ tục hành chính thông qua bộ phận “một cửa” của các VPĐKĐĐ Chi nhánh và tỉnh trên 7.380 hồ sơ. Qua việc giải quyết các hồ sơ này, VPĐKĐĐ đã góp phần tích cực trong việc cải cách thủ tục hành chính như: Việc nhận và giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa” của tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn; giải quyết nhanh chóng các thủ tục đối với các công trình trọng điểm đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số thiếu sót trong quan hệ phối hợp giải quyết công việc giữa các đơn vị, bộ phận trực thuộc bước đầu đã được chấn chỉnh, khắc phục; có sự phối hợp thực hiện đồng bộ, chặt chẽ quy trình trong các khâu. Qua đó, góp phần vào công tác cải cách hành chính lĩnh vực đất đai, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Mô hình VPĐKĐĐ một cấp trực thuộc Sở TN&MT có các chi nhánh trực thuộc, được bố trí theo phạm vi địa bàn (mỗi Chi nhánh phụ trách một huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh), được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng từ các Văn phòng trực thuộc Phòng TN&MT trước đây. Các Chi nhánh chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Văn phòng Đăng ký cấp tỉnh; không hạch toán độc lập mà do Văn phòng cấp tỉnh thống nhất quản lý, nhưng có con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ đăng ký theo thẩm quyền.

Tuyết Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Hiệu quả từ mô hình Văn phòng đăng ký đất đai một cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO