GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Thông tin cảnh báo không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức rất nặng và nguy hiểm là không chính xác

19/01/2019 06:38

(TN&MT) - Trước thông tin cảnh báo không khí Hà Nội ô nhiễm rất nặng và ở mức nguy hiểm, Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với  GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, người chuyên nghiên cứu về không khí ở Việt Nam để hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như xác minh lại thực hư của thông tin trên.

pham ngoc dang 15426230272741598606682
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng 


PV:  Thưa ông, như ông đã biết, gần đây các tổ chức quốc tế đưa ra cảnh báo về tình trạng không khí Hà Nội ô nhiễm tới mức nguy hiểm. Theo ông thông tin này có thực sự chuẩn xác và ông đánh giá như thế nào về thực trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội hiện nay?

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Đúng là gần đây một số Tổ chức Quốc tế đã dựa vào số liệu quan trắc về bụi mịn của Trạm quan trắc không khí tự động đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội mà đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà nội ở mức nguy hiểm.

Nhưng căn cứ vào số liệu quan trắc chất lượng không khí của các Trạm quan trắc không khí tự động của Tổng cục Môi trường đặt tại Hà Nội và các Trạm quan trắc không khí tự động của Sở TN&MT Hà Nội, cũng như số liệu của Trạm quan trắc không khí tự động của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, tôi khẳng định rằng cảnh báo nêu trên là không chính xác. Dù rằng chỉ xét riêng về ô nhiễm bụi PM10, PM2.5 thì mức độ ô nhiễm bụi của Hà Nội trong những năm gần đây cho thấy: Ô nhiễm bụi mịn trong phần lớn các ngày trong năm ở Hà Nội chỉ là ở mức trung bình, một số ngày có mức độ ô nhiễm nặng, hầu như không có ngày nào có mức độ ô nhiễm nguy hiểm (Mức nguy hiểm là khi nồng độ bụi trung bình ngày thực tế lớn hơn trên 3 lần trị số giới hạn tiêu chuẩn cho phép, hay là Chỉ số chất lượng không khí AQI ≥ 300).

Xét về tính chất vật lý và hóa học thì chất ô nhiễm không khí được phân thành 2 loại: loại hạt (bụi lơ lửng, bụi mịn PM10, PM5, và PM2.5) và loại khí (SO2, NOx, CO và VOC). Khi nồng độ bụi trong không khí càng lớn, đường kính hạt bụi càng nhỏ (PM5, PM2.5) thì bụi càng thâm nhập vào xâu trong phổi và gây tác hại càng nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Nếu xét riêng về nồng độ các chất khí ô nhiễm (SO2, NOx, CO và VOC) thì môi trường không khí Hà Nội thuộc vào loại không bị ô nhiễm và tốt hơn nhiều thành phố lớn ở các nước xung quanh.

PV: Hiện nay nhiều người chỉ dựa vào các chỉ số quan trắc ở Đại sứ quán Mỹ để đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội, điều này liệu có chính xác? Xin ông nói thêm về cách phân tích, đánh giá chất lượng không khí?

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Để đánh giá chất lượng không khí của Hà Nội cần phải dựa trên kết quả đo kiểm tại nhiều điểm khác nhau và các thời điểm khác nhau trong ngày. Nếu chỉ có thông tin quan trắc đo một vài điểm thì chưa đủ căn cứ để đánh giá chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố.

Thông lệ, trên thế giới cũng như ở nước ta, để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí của một địa phương vào một ngày cụ thể nào đó thì phải lấy trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục trong ngày đó làm đại diện; để đánh giá mức độ ô nhiễm trong năm thì phải căn cứ vào trị số trung bình đo của cả năm liên tục (365 ngày x 24 giờ đo) làm trị số đại diện, không thể lấy trị số đo tức thời bất thường ở một thời điểm nào đó làm trị số đại diện để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí nói chung cho cả ngày, cả tháng hay cả năm của thành phố được. Vì vậy, không thể sử dụng trị số nồng độ PM5.0, PM2,5 đo được tại Đại Sứ quán Mỹ ở một thời điểm đột xuất = 395µg/m3 làm trị số so sánh đánh giá mức độ ô nhiễm ngày của Hà Nội được. Nhưng dù giả thiết rằng, trị số PM5.0, PM2,5 đo được tại Đại Sứ quán Mỹ ở một thời điểm đột xuất = 395µg/m3 là trị số trung bình ngày chẳng hạn, thì chỉ số chất lượng không khí AQI trung bình ngày hôm đó cũng chỉ = 395 µg/m3:150µg/m3 x 100 = 263 (trong đó 150µg/m3là trị số giới hạn cho phép nồng độ bụi trung bình ngày theo QCVN 05:2013/BTNMT), có nghĩa là ô nhiễm bụi ở Hà Nội cũng chỉ ở mức độ “ô nhiễm nặng” chứ không phải ở mức độ “ô nhiễm rất nặng, ô nhiễm nguy hiểm” như một số Tổ chức Quốc tế nhận định.

PV: Dù sao thì chúng ta cũng phải nhìn nhận không khí ở Hà Nội có ô nhiễm, liệu chúng ta có thể cải thiện được tình trạng này không? Thời gian tới, chúng ta cần làm gì để hạn chế ô nhiễm môi trường không khí?

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Đúng vậy, nhưng mức độ ô nhiễm bụi ở Hà Nội chỉ thuộc loại ô nhiễm trung bình và có một số ngày thuộc loại ô nhiễm nặng, chưa tới mức nguy hiểm.

Căn cứ vào số liệu quan trắc môi trường không khí từ năm 2011 đến nay thấy rằng mức độ ô nhiễm bụi của không khí Hà Nội có xu hướng giảm dần, đó là kết quả đáng ghi nhận của công tác quản lý môi trường của Bộ TN&MT cũng như của Hà Nội .

Để cải thiện chất lượng không khí Hà Nội cần phải tập trung kiểm soát các nguồn khí thải một cách chặt chẽ, nghiêm minh và thường xuyên để giảm thiểu nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, nguồn thải từ hoạt động xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo đường xá, cống rãnh, nhà cửa, giảm thiểu nguồn thải từ hoạt động vận chuyển đất cát, vật liệu xây dựng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đường phố, vỉa hè, thu gom rác thải 100%, bảo tồn các mặt nước và phát triển cây xanh đô thị; chuyển đổi đun nấu bằng than tổ ong và đốt nhiên liệu than trong sản xuất thủ công nghiệp sang đốt khí gas, khí hóa lỏng hay viên nhiên liệu sinh thái; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức BVMT, xây dựng nếp sống thân thiện với môi trường của toàn thể cộng đồng dân cư, v.v…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: Thông tin cảnh báo không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức rất nặng và nguy hiểm là không chính xác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO