GPP Cà Mau - Đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp khí Việt Nam

30/01/2019 13:20

(TN&MT) - Năm 2018, vùng cực Nam của Tổ Quốc rực sáng hơn khi Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) trong chuỗi dự án Khí - Điện - Đạm tại Cà Mau được khánh thành và đi vào vận hành. Kể từ đó đến nay,Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tiếp nhận, vận hành an toàn, hiệu quả công trình này, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đánh dấu một bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Làm chủ công nghệ

Chỉ trong một thời gian ngắn sau tiếp nhận GPP Cà Mau, lực lượng cán bộ trẻ của KCM đã có thể hoàn toàn làm chủ công nghệ và vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy, hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu về sản xuất LPG và condensate. Cụ thể: Sản lượng LPG ước đạt 155.000 tấn, đạt 135% kế hoạch năm; Sản lượng Condensate ước đạt 10.000 tấn, đạt 154% kế hoạch năm; Công tác xuất sản phẩm lỏng đảm bảo an toàn cho 120 chuyến tàu và hơn 6.000 chuyến xe bồn.

.
Khu Khí- Điện - Đạm Cà Mau

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên KCM phối với các bên thực hiện bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) lớn GPP Cà Mau với khối lượng công việc rất lớn, số lượng CBCNV và nhà thầu trên công trường có thời điểm lên đến gần 200 người, nhiều đầu việc mới, phức tạp hơn so với các năm trước. Đây là một thách thức không nhỏ đối với đội ngũ kỹ thuật nhân sự còn trẻ, mới tiếp nhận nhà máy chưa đầy 1 năm. Tuy nhiên nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị liên quan và sự tập trung cao độ trên công trường nên công tác BDSC đã được triển khai thành công, đạt 3 mục tiêu quan trọng: tuyệt đối an toàn, đảm bảo chất lượng và vượt mốc tiến độ sớm hơn 2 ngày.

GPP Cà Mau đưa vào hoạt động an toàn, hiệu quả trong năm 2018 có ý nghĩa vô cùng to lớn, đưa PV GAS thực hiện đúng mục tiêu chiến lược đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam và phát triển ra thị trường quốc tế; thực hiện chế biến sâu, gia tăng giá trị khí từ cụm mỏ PM3-CAA; góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt LPG tại thị trường Việt Nam, giảm lượng LPG phải nhập khẩu hằng năm; thực hiện theo đúng chính sách và chiến lược của PVGAS là cung cấp nguồn năng lượng thân thiện với môi trường cho phát triển bền vững đất nước.

Hiệu quả của dự án cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; Tạo động lực thúc đẩy các ngành nghề liên quan đến các sản phẩm khí khô, LPG, condensate tại Cà Mau và các địa bàn lân cận; thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc cho Cà Mau.

,

Hoàn thiện GPP Cà Mau theo hướng tinh gọn, hiệu quả

GPP Cà Mau sở hữu nhiều công nghệ hàng đầu hiện nay, tạo ra ưu điểm nổi trội so với các nhà máy khác. Điều này giúp nhà máy có hiệu suất thu hồi sản phẩm lỏng gần như tuyệt đối lên đến 97% trong khi các nhà máy khác chỉ đạt hiệu suất thu hồi khoảng 80%, độ tin cậy và độ sẵn sàng của hệ thống cũng rất cao, chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo, mang lại hiệu quả tổng thể cho dự án. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức lớn trong việc tiếp nhận và làm chủ công nghệ chưa từng áp dụng ở Việt Nam với đội ngũ làm công tác tiếp nhận, vận hành.

Ông Nguyễn Phúc Tuệ, Giám đốc Công ty Khí Cà Mau (KCM) cho biết, một trong những thách thức lớn đặt ra cho KCM khi tiếp nhận vận hành GPP Cà Mau là vấn đề về kinh nghiệm, trước đây KCM mới chỉ có kinh nghiệm quản lý hệ thống đường ống khí, chưa từng vận hành nhà máy chế biến khí, đặc biệt nhà máy GPP Cà Mau có yêu cầu cao về mặt kỹ thuật và công nghệ.

Được biết  tham gia từ giai đoạn dự án, người lao động KCM cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức từ phối hợp nhà thầu, quản lý an toàn, xây dựng quy trình tiếp nhận… đến xử lý lỗi phát sinh trong chạy thử. Trong đó việc triển khai dự án có rất nhiều nhà thầu nước ngoài tham gia, sử dụng nhiều “giọng” tiếng Anh khác nhau nên vấn đề khó khăn trong trao đổi công việc ban đầu là khó tránh khỏi, không chỉ giữa Việt Nam với nhà thầu nước ngoài mà cả giữa Tổng thầu Posco – Hàn Quốc và Nhà thầu bản quyền công nghệ UOP – Mỹ. Vượt lên những bất đồng về ngôn ngữ, đội ngũ dự án dần dần làm quen, giao tiếp dễ dàng hơn, hiểu và phối hợp trong công việc tốt hơn, cùng đồng hành vì mục tiêu chung cao nhất là hoàn thành dự án.

Khó khăn nhiều như vậy, tuy nhiênnhờ công tác chuẩn bị tốt về mặt nhân sự và đào tạo nên chỉ sau một thời gian ngắn tiếp nhận vận hành nhà máy, lực lượng CBCNV KCM có thể tự tin làm chủ hoàn toàn công nghệ nhà máytrên mọi phương diện từ vận hành, BDSC đến các công tác quản lý hệ thống có liên quan mà không cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia của nhà thầu/nước ngoài.Ngay từ khi tiếp nhận dự án, toàn bộ quá trình khởi động, vận hành nhà máy, KCM đều tự thực hiện được mà không cần hỗ trợ từ nước ngoài; đợt dừng khí BDSC đầu tiên của GPP Cà Mau (năm 2018), KCM và Công ty Dịch vụ khí cũng đã tự thực hiện thành công là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm làm chủ công tác vận hành và BDSC GPP Cà Mau.

.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2019, KCM định hướng tiếp tục hoàn thiện đội ngũ nhân sự, hệ thống công nghệ, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý của GPP Cà Mau theo hướng tinh gọn, hiệu quả, áp dụng nhiều biện pháp quản lý tiên tiến vào công tác kiểm soát, với mục tiêu đưa Nhà máy GPP trở thành một Nhà máy điển hình của PV GAS; Tiếp tục nâng cao văn hóa an toàn trong vận hành, BDSC; Đưa vào vận hành Dự án cấp khí Permeate Gas (sản phẩm phụ của GPP Cà Mau) cho Nhà máy Đạm Cà Mau, bổ sung thêm 2% nhu cầu khí, tăng doanh thu cho GPP Cà Mau 1 triệu USD/năm, giảm chi phí mua khí hàng năm 2,5 triệu USD cho Nhà máy Đạm, góp phần gia tăng giá trị chuỗi Khí – Điện – Đạm Cà Mau; Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả tổng thể của dự án.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GPP Cà Mau - Đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp khí Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO