(TN&MT) - Các chi bộ đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi tổ chức thành công đại hội đều có tổng hợp báo cáo ý kiến tham gia đóng góp của cán bộ đảng viên vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ và dự thảo các văn kiện của Đảng. Đến thời điểm này, đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của cán bộ, đảng viên các tổ chức Đảng trong Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia đóng góp vào các vấn đề lớn của ngành TN&MT. Cơ bản các ý kiến đều thể hiện sự đồng tình, nhất trí với dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội. Báo TN&MT xin trích đăng một số ý kiến đóng góp.
1. Trung tâm Địa chất Khoáng sản: Bảo vệ tài nguyên môi trường cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt
Đối với loại tài nguyên là tài sản chiến lược, có tính đặc thù cho an ninh năng lượng hoặc có nhu cầu lớn trong nước như than, dầu khí… cần có chính sách cụ thể, cân đổi giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Quy hoạch khai thác, quản lý, bảo vệ nguồn nước và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước. Kiểm soát, khai thác hiệu quả, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt đối với các vùng nước gần bờ.
Đại hội Đảng bộ Trung tâm điều tra TNMT biển |
Đối với công tác bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, công tác này chưa thật tốt, cụ thể, hầu hết các hệ thống sông ngòi gần các khu vực có các nhà máy, xí nghiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng, chính quyền chưa có biện pháp xử lý đủ mức độ răn đe kịp thời. Chính vì vậy cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt thật nặng đối với những doanh nghiệp, công ty, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền cụ thể về môi trường cho các công ty, nhà máy và nhân dân để từ đó mỗi người dân biết để BVMT.
2. Báo Tài nguyên & Môi trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên và môi trường
Đại hội Chi bộ Báo Tài nguyên và môi trường lần thứ 2, nhiệm kỳ 2015-2020 |
Báo TN&MT nhất trí cao những nội dung trong dự thảo báo cáo chính trị. 5 năm tới, bảo vệ tài nguyên và môi trường tiếp tục là những vấn đề nóng của đất nước, đặc biệt nhu cầu sử dụng tài nguyên ngày càng tăng, môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Tuyên truyền sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức trong bảo vệ tài nguyên và môi trường, vì vậy cần quan tâm hơn nữa đến công tác này. Nên bổ sung vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tuyên truyền, báo chí thuộc Bộ. Dự thảo văn kiện trong phần phương hướng nhiệm vụ có nêu: “Đa dạng hoá hình thức, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo dư luận xã hội lên án và thống nhất nhận thức về việc phải xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường....” Cần thêm nội dung cho phù hợp với Đề án quy hoạch báo chí đã được Bộ chính trị thông qua, theo đó nên thêm vào phần này: Sắp xếp quy hoạch báo chí ngành tài nguyên môi trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để báo chí ngành tài nguyên và môi trường phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền trong ngành và nhu cầu tiếp cận thông tin về tài nguyên môi trường của bạn đọc trong và ngoài nước.
3. Cục KTTV&BĐKH: Giải pháp cần cụ thể hơn nữa để thực hiện thắng lợi các mục tiêu quản lý TNMT
Cục KTTV&BĐKH nhất trí cao với đánh giá kết quả đạt được trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nêu trong dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường khóa II trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 – 2020 như: Việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, nguồn nước, khoáng sản chặt chẽ và hiệu quả hơn, công tác điều tra cơ bản, đánh giá môi trường, xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được tích cực thực hiện; phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH được chú trọng, bước đầu đạt được kết quả quan trọng tích cực ở các mặt như hoàn thiện thể chế, chính sách ứng phó BĐKH, công tác thanh tra, giám sát công tác ứng phó BĐKH ở các tỉnh, thành, địa phương và công tác hợp tác quốc tế, tăng thu hút nguồn lực hỗ trợ ứng phó BĐKH tại nước ta.
Tuy nhiên, Cục cũng cho rằng, công tác điều tra cơ bản triển khai còn chậm, chưa đồng bộ giữa Trung ương và địa phương. Các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý cơ sở gây ô nhiễm nhiêm trọng chưa có tính răn đe cao. Mức độ chính xác về công tác cảnh báo, dự báo còn chưa cao. Đầu tư cho ứng phó BĐKH còn dàn trải, chưa hiệu quả… Vì vậy, tại Đại hội lần này, Cục mong muốn các giải pháp cụ thể, bám sát những yếu kém, khuyết điểm hơn nữa để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra.
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp cơ sở, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng: Cục KTTV&BĐKH nhất trí cao với dự thảo tuy nhiên, các ý kiến tại cơ sở cho rằng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp cơ sở, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa đạt được kết quả như mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra. Vì vậy để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước hết Đảng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
4. Ông Nguyễn Thành Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Việc xây dựng tổ chức đảng, lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ cần theo đúng tinh thần Nghị quyết 39_NQ/TW
Ngày 17/4/2015, Bộ chính trị đã có Nghị quyết số 39_NQ/TW về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại độ ngũ cán bộ công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài vào hoạt đông công vụ trong cơ quan đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương. Vì vậy, đề nghị các giải pháp về xây dựng tổ chức đảng, lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy cần gắn với cải cách hành chính và tinh giảm biên chế cần theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39 này.
Đại hội Đảng bộ Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu |
Bên cạnh đó, tham nhũng, lãng phí đang là vấn đề nóng, gắn liền với suy thoái về chính trị, tư tưởng và đạo đức của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, các giải pháp chính trị, tư tưởng cần có sự gắn kết với chống tham nhũng, lãng phí.
PV