Góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thúy Nhi| 04/10/2022 14:49

(TN&MT) - Sáng 4/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức tọa đàm góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chủ trì tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, sau gần 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai...

Tuy nhiên, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ ít vốn, nhiều doanh nghiệp sử dụng đất của mình để phục vụ sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực trong đó có nông nghiệp.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ dự thảo Luật Đất đai 2013 được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật có liên quan đến đất đai. Đồng thời, giải quyết các vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất, đảm bảo hài hoà quyền lợi và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư…

img_9442.jpg
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai phát biểu tại tọa đàm

Liên quan đến nông nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới về thời hạn sử dụng đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, dự thảo có quy định mới về ngân hàng đất nông nghiệp, quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp…

Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, hiện nay, ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ do tình trạng sử dụng đất nông nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí “đầu vào” lớn song giá thành nông sản thấp, bấp bênh vì sự không ổn định của thị trường tiêu thụ. Vì vậy, xảy ra tình trạng phổ biến đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhưng người dân không chuyển nhượng, cho thuê, cứ giữ đất với tâm lý là “cuốn sổ bảo hiểm”. Do đó, việc quy định Ngân hàng đất nông nghiệp trong Dự thảo Luật là giải pháp để giải quyết vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, Khoản 1, điều 108, Dự thảo Luật quy đinh: “Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp” nhưng điều khoản này lại chưa đề cập cụ thể hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp có chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng không? Cơ quan nào có thẩm quyền thành lập Ngân hàng và hoạt động của mô hình Ngân hàng có chịu sự quản lý Nhà nước của Ngân hành Nhà nước hay sự quản lý của Bộ, ngành nào?

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Quang Tuyến cũng đề xuất, trong dự thảo Luật cần có giải thích rõ khái niệm “thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, nếu không thống nhất về khái niệm này giữa các địa phương hoặc giữa các cán bộ làm nhiệm vụ quản lý đất đai dẫn đến áp dụng tuỳ tiện, chưa thống nhất, tiềm ẩn tiêu cực, thiếu minh bạch.

z3771734907584_1165993b6bf6fd5273c300f56a1872ee.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Anh hùng lao động, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed mong muốn, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần có tầm nhìn lâu dài, đồng thời đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu tại buổi tọa đàm, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho rằng, Ban soạn thảo luôn lắng nghe, tiếp thu, phân tích và tổng hợp để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 18- NQ/TW.

Đồng thời, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cũng mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến góp ý từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp cả về lý luận và thực tiễn không chỉ về vấn đề đất nông nghiệp mà cả các vấn đề khác để Bộ TN&MT tiếp tục rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật sao cho hoàn thiện nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý hoàn thiện các vấn đề về nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO