Xã hội

Gỡ vướng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Cần sự phối hợp của các bộ, ngành

Lan Chi 30/10/2023 16:29

(TN&MT) - Thời gian qua, công tác giảm nghèo còn tồn tại một số hạn chế do những vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững. Những hạn chế này cần được kịp thời giải quyết, tháo gỡ để đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

Triển khai các chính sách giảm nghèo bền vững sát với thực tiễn

Theo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ngoài các chính sách giảm nghèo do trung ương ban hành, có 4 tỉnh, thành phố (Quảng Nam, Đà Nẵng, Cao Bằng, Hải Phòng) đã ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù; có 2 tỉnh (Tây Ninh, Vĩnh Phúc) đã ban hành chính sách bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Tính đến tháng 7/2023, cả nước có 9 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh) ban hành chuẩn nghèo đa chiều khác/cao hơn với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương đã chủ động khảo sát và hoàn thành việc tổng hợp kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững sát với thực tiễn từng địa phương.

Kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022 cho thấy, 6/12 chỉ số thiếu hụt nhiều nhất ở hộ nghèo, cận nghèo là: Bảo hiểm y tế, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, chất lượng nhà ở. Đây là cơ sở quan trọng để Chương trình xác định các dự án, tiểu dự án cấp thiết, tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.

247f53a6-7555-4983-8761-8dbe362fa6b9.jpg
Cán bộ khuyến nông huyện Kbang (Gia Lai) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mì cho người dân tộc thiểu số

Trong quá trình thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương và Nhân dân đã có nhiều nỗ lực trong việc vươn lên thoát nghèo, thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm. Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, mặc dù chưa đạt so với kế hoạch giao là 1-1,5% nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua thì kết quả giảm nghèo cũng khá tích cực trong bối cảnh kinh tế - xã hội cả nước gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng.

Năm 2022 và ước thực hiện năm 2023 kết quả thực hiện giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 24 của Quốc hội, Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1,83% vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra là tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,17% (từ 5,2% xuống còn 4,03%), đạt mục tiêu kế hoạch là duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,89% (từ 25,91% xuống còn 21,02%), đạt mục tiêu kế hoạch là giảm trên 3%/năm…

Ngoài ra, Chương trình đã bước đầu có những hiệu quả nhất định thông qua việc tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân sống trên địa bàn các huyện nghèo được tiếp cận mô hình sản xuất có hiệu quả; được hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển sản xuất; đào tạo nâng cao trình độ cho người dân; các hoạt động truyền thông về giảm nghèo đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân từ đó dần thay đổi thói quen sinh hoạt, phương thức sản xuất và chủ động vươn lên thoát nghèo.

Các Bộ, ngành tích cực vào cuộc gỡ vướng

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững vẫn còn gặp một số hạn chế, bất cập. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội, một trong những khó khăn đó là việc ban hành một số văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ còn chậm (mặc dù vẫn là Chương trình sớm nhất ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện tính đến ngày 6/9/2022), đã ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình trong năm 2021, năm 2022 và năm 2023.

Bên cạnh đó, một số văn bản đã ban hành còn có khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung; số lượng văn bản phân cấp cho địa phương ban hành còn nhiều (theo Nghị định 27 của Chính phủ có 7 loại văn bản thuộc thẩm quyền địa phương phải ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình); nhiều vấn đề mới, khó, phức tạp giao cho các địa phương cụ thể hóa như lồng ghép vốn, thủ tục hành chính trong các dự án phát triển sản xuất... Ngày 24/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 27 nên các địa phương lại tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành theo thẩm quyền.

Trước những khó khăn trên, thay mặt Đoàn giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo rà soát một số nội dung còn có khó khăn, vướng mắc liên quan đến Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 phê duyệt CTMTQG giảm nghèo bền vững và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Chương trình để kịp thời sửa đổi, bổ sung.

Trong chỉ đạo, giao chỉ tiêu cho các địa phương, bộ ngành thực hiện các mục tiêu giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; - 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm) cần quan tâm đảm bảo tính bền vững, thực chất để cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, có sinh kế ổn định, thu nhập, điều kiện sống được nâng cao, không bị rơi vào tái nghèo, cận nghèo.

Đồng thời, sớm ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 -2025 và bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho Ngân hàng CSXH để thực hiện các chính sách cho vay hỗ trợ giảm nghèo, nhất là hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo.

xoa-doi-giam-ngheo-thanh-hoa.jpg
Huyện miền núi Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) đã lựa chọn, triển khai các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân

Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng cần nghiên cứu thành lập Tổ công tác trực thuộc Bộ trưởng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tham mưu, xây dựng VBQPPL liên quan đến CTMTQG giảm nghèo bền vững và triển khai xuống trực tiếp địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn của Chương trình đạt thấp để phát hiện, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn nhanh hơn.

Khẩn trương biên soạn, ban hành cẩm nang/sổ tay hướng dẫn thực hiện nội dung liên quan đến CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 để các bộ, ngành, địa phương, nhất là cấp cơ sở thuận tiện áp dụng, thực hiện.

Bộ Xây dựng cần khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo được hỗ trợ theo Dự án 5 của Chương trình để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương và đảm bảo cho người nghèo, cận nghèo có nhà ở.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát huy vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư) và các cơ quan chủ quản Chương trình và Bộ Tài chính trong việc tăng cường trách nhiệm, phối hợp, tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc, kiểm tra tiến độ xử lý, giải quyết, nhất là các vướng mắc liên quan đến 02 bộ ngành trở lên. Khẩn trương tham mưu trình Thủ tướng về Hệ thống giám sát, đánh giá CTMTQG.

Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương và các văn bản còn vướng mắc liên quan đến thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Bộ này sớm trình phân bổ bổ sung kinh phí thực hiện 700 tỷ đồng thuộc Dự án 5 “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo” và tiểu dự án 2 “cải thiện dinh dưỡng” thuộc dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) để các địa phương thực hiện trong năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Cần sự phối hợp của các bộ, ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO