Dự án “treo” gây lãng phí đất đai
Xác định đất đai là tài nguyên đặc biệt, là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của địa phương không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm việc quy hoạch, tích tụ đất đai với mục tiêu quản lý, sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, tình trạng sử dụng lãng phí, quản lý lỏng lẻo tài nguyên tự nhiên, trong đó có đất đai vẫn đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhiều dự án thu hồi đất của nông dân giao cho khu công nghiệp, khu đô thị quây lại để cho cỏ mọc, biến thành bãi hoang. Thậm chí, có nhiều dự án nằm ở vị trí “vàng” sau nhiều năm triển khai vẫn “nằm trên giấy” gây lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn.
Những năm qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao các sở, ngành, địa phương thực hiện tổng rà soát 3 nhóm dự án, bao gồm: Nhóm dự án đã giao đất, cho thuê đất; nhóm dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa được giao đất và nhóm dự án đã chấp thuận địa điểm nghiên cứu quy hoạch hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa lựa chọn nhà đầu tư.
Điển hình như tại TP. Móng Cái, có tới 15 dự án chậm tiến độ trên 5 năm, gây bức xúc trong nhân dân. Việc nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm một phần liên quan đến chính sách đất đai hiện nay, dẫn đến tình trạng sử dụng đất còn lãng phí, chưa hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất tại một số địa phương chưa thực sự tập trung trong công tác tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiến hành giải quyết dứt điểm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao đất cho các chủ đầu tư thi công hoàn thành toàn bộ dự án. Trong khi phần khối lượng còn lại của nhiều dự án còn rất ít nhưng chưa quyết liệt trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành dứt điểm, công tác nghiệm thu, bàn giao hạ tầng, quyết toán dự án, dẫn đến chậm tiến độ.
Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho thấy, qua rà soát giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 184 dự án, 230 địa điểm và quy hoạch đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, trong đó có 23 dự án chậm tiến độ trên 5 năm, 21 dự án chậm tiến độ trên 2 năm.
Còn nhiều bất cập cần tháo gỡ
Bên cạnh việc còn nhiều dự án chậm tiến độ, việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng gặp không ít khó khăn do chính sách đất nông nghiệp trước đây, người dân có đất nằm rải rác khắp các cánh đồng, nhiều người dân không làm hoặc bỏ làm nông nghiệp từ lâu. Giải quyết được bài toán này sẽ tăng cường vốn hóa đất đai nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.
Bên cạnh đó, một số dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng nhiều năm, trong khi chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai tiếp, không tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước, nếu thu hồi ngay sẽ không đảm bảo quy định của pháp luật đất đai, phát sinh đơn thư khiếu kiện. Song, nếu gia hạn tiến độ sử dụng đất, dự án sẽ tiếp tục kéo dài, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và môi trường, cảnh quan đô thị xung quanh khu vực dự án.
Cùng với đó, để có cơ sở thu hồi đất dối với các dự án vi phạm điểm i, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, chủ đầu tư được gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng, chủ đầu tư phải thực hiện nộp thêm một khoản nghĩa vụ tài chính trong thời gian được gia hạn. Trường hợp quá thời gian được gia hạn, nếu chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành dự án để đưa đất vào sử dụng sẽ bị thu hồi và không được bồi thường, hoàn trả giá trị còn lại về tài sản, giá trị quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 06 ngày 3/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh có nội dung “Không gia hạn các dự án giao đất quá 5 năm và quyết liệt việc thu hồi các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ và vi phạm pháp luật...”
Vì vậy, để giải bài toán này, các sở, ngành chức năng của Quảng Ninh vẫn chủ yếu yêu cầu các chủ đầu tư cam kết tiến độ, việc gia hạn tiến độ sử dụng đất rất khó thực hiện, nếu không gia hạn tiến độ mà thu hồi ngay sẽ dẫn đến khiếu kiện.
Tại hội nghị tham gia góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức vào tháng 10/2022, một số đại biểu đề nghị, trong Dự thảo Luật Đất đai, cần đề cập cụ thể tới công tác thu hồi đất, xem xét làm rõ các nội dung để đảm bảo tính thực tiễn và quyền lợi của các bên liên quan; Cũng như cần xem xét quy định rõ quyền lợi của người dân trong các dự án, khắc phục sự chồng chéo giữa Luật Ðất đai với các luật khác.
Để tránh gây lãng phí nguồn lực đất đai, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh kiểm tra, rà soát làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và có biện pháp xử lý dứt điểm đối với từng dự án cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến vào nội dung dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Qua đó, góp phần đưa Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.