Từ việc khắc phục mọi khó khăn trong giảng dạy trực tuyến…
Mặc dù hơn 50% các lớp học được tổ chức theo hình thức trực tuyến, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã được Nhà trường cùng giảng viên từng bước khắc phục và được học viên đánh giá cao.
Theo đó, để kịp thời đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ được giao cũng như nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát, Nhà trường đang triển khai các lớp học trực tuyến như: Lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, Lớp bồi dưỡng về định giá đất, các lớp bồi dưỡng nâng hạng viên chức…
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Nhà trường đã triển khai 26 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, với tổng số 2.276 học viên. Trong 26 lớp trên, có đến 14 lớp đào tạo theo hình thức trực tuyến.
Đánh giá về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến của Nhà trường trong bối cảnh dịch COVID-19, TS. Nguyễn Đức Toàn – Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường cho biết, phương pháp học này có ảnh hưởng tới cơ hội học tập, giao tiếp giữa các học viên và nhiệt huyết của giảng viên trong quá trình thuyết giảng. Học viên sẽ có ít cơ hội được trao đổi trực tiếp với giảng viên và giữa các học viên với nhau mà chủ yếu tương tác trên màn hình.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường đã triển khai 26 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trong đó có đến 14 lớp đào tạo theo hình thức trực tuyến |
Nhà trường đã khai thác triệt để các công cụ giao tiếp như: boxchat và gia tăng các yếu tố tương tác cho bài giảng (bài trắc nghiệm, khảo sát,…)
Giảng viên, báo cáo viên của lớp Bồi dưỡng về định giá đất, ông Bùi Ngọc Tuân cho rằng, rào cản về công nghệ cũng gây khó khăn cho công tác giảng dạy online của trường. Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, nhiều người sẽ cảm thấy khó khăn khi phải tiếp cận với những công cụ, nền tảng mới. Hơn nữa, việc dạy và học phụ thuộc rất lớn vào thiết bị, tín hiệu đường truyền... do đó, nếu có người gặp sự cố về các vấn đề trên, việc giảng dạy bị gián đoạn hoặc không thể thực hiện hiệu quả.
Trước thực trạng này, để đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho học viên, Nhà trường đã thiết kế bài giảng E-learning theo hướng tối giản, giao diện thân thiện. Bên cạnh đó, Nhà trường đã xây dựng đội ngũ hỗ trợ, giải đáp cho học viên trước, trong và sau quá trình học.
Là một học viên của lớp Bồi dưỡng về định giá đất K17, ông Hầu Vĩnh Hoàng Phú đánh giá, bản thân tính linh hoạt của E-learning chính là “con dao hai lưỡi”: một mặt giúp học viên tiếp nhận kiến thức mọi lúc mọi nơi, nhưng mặt khác, học viên cũng dễ dàng “luồn lách”, học “đối phó”, bỏ dở bài giảng làm giảm tính hiệu quả của khóa đào tạo.
Tuy vậy, nhà trường đã khắc phục rất tốt vấn đề này. Cụ thể, để tăng tỉ lệ hoàn thành khóa học, nhà trường đã có những biện pháp cụ thể như: giới hạn thời gian mở lớp và thời lượng học; đặt các ràng buộc tham gia hoạt động trao đổi, tương tác trên lớp; gửi email nhắc nhở,… Nhờ đó, việc đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến đã đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu và lôi cuốn học viên tham gia.
…đến đổi mới, cải tiến mô hình, phương pháp đào tạo
Trong thời gian qua, giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những ảnh hưởng to lớn, để lại hậu quả nặng nề cả về người và của, Trường đã tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ khoa học, hợp lý, linh hoạt để đảm bảo tiến độ, chất lượng, duy trì các hoạt động thông suốt, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong khi vẫn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Trong đó. có việc phối hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ, kỹ thuật phù hợp để thiết kế, xây dựng và nhanh chóng đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử kết nối với Cổng E-learning của Trường.
Việc ra mắt Cổng vào tháng 4/2020 là hành động thiết thực, kịp thời đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ được giao cũng như nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành cả trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát cũng như sau khi hết dịch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên có thể chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi.
Từ khi ra mắt Cổng E-learning, đã có hàng chục khóa học được triển khai hoàn toàn theo hình thức từ xa với hàng ngàn học viên |
TS. Nguyễn Đức Toàn nhận định, là đơn vị đầu tiên trong hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước chính thức đưa vào vận hành hệ thống E-learning chuyên nghiệp, hướng phát triển này của nhà Trường đã được Lãnh đạo Bộ TN&MT và Bộ Nội vụ đánh giá cao, phù hợp với xu thế chung của thế giới về đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.
Sau hơn 1 năm ứng dụng triển khai hệ thống E-learning, Trường đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức từ xa hoặc kết hợp giữa từ xa và trực tiếp với các nội dung khác nhau cho nhiều đối tượng học viên, đặc biệt là cán bộ tại các địa phương. Trong đó, chỉ tính riêng từ khi ra mắt Cổng E-learning, đã có hàng chục khóa học được triển khai hoàn toàn theo hình thức từ xa với hàng ngàn học viên. Qua thực tế vận hành hệ thống E-learning đã được Lãnh đạo Bộ Nội vụ đánh giá là mô hình tốt để Bộ hướng dẫn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước nhân rộng việc áp dụng triển khai nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới.
Với các đối tác quốc tế, trường cũng đã nhanh chóng, kịp thời trao đổi và đi tới thống nhất để bước đầu triển khai thử nghiệm một số khóa E-learning với giảng viên/báo cáo viên/chuyên gia là người nước ngoài tham gia giảng dạy từ xa.
Cụ thể, trường đã phối hợp với Trung tâm E-learning về môi trường khối APEC (APEC-VC) do Viện Công nghiệp và Công nghệ Môi trường Hàn Quốc (KEITI) chủ trì xây dựng khóa E-learning giới thiệu quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí. Ngoài ra, xây dựng chương trình tổ chức bồi dưỡng, chỉnh sửa tài liệu về ứng phó với Biến đổi khí hậu và tổ chức Khóa TOT về nội dung nêu trên với sự tham gia của chuyên gia Nhật bằng hình thức E-learning trong khuôn khổ Dự án ứng phó với Biến đổi khí hậu của Bộ Môi trường Nhật Bản (MOEJ).