Bám đất, bám rừng…
Cơn mưa rào mùa hạ khiến tuyến đường bình thường chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ trở nên kéo dài hơn, bởi những cung đường quanh co, hiểm trở này đòi hỏi cánh lái xe phải thực sự quen đường. Qua cửa kính xe, lướt qua những hàng cây xanh mát, làm lòng người cũng dịu dàng, se lắng lại trước khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên.
Đón chúng tôi tại trụ sở, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sốp Cộp Đào Văn Tưởng vui vẻ: Sốp Cộp hiện có gần 70.000ha rừng, trong khi chỉ có 14 cán bộ, mỗi kiểm lâm phải phụ trách 1- 2 xã, nên có mưa thế này, anh em kiểm lâm có thể yên tâm vì nguy cơ cháy rừng giảm, nghĩa là công việc của cũng vơi bớt khó khăn.
“Mưa xong rừng nhiều vắt lắm, nữ nhà báo có đi được không? Vẫn dám đi thì đi cùng tổ tuần tra rừng luôn nhé”. Nói rồi, anh chỉ cho tôi gặp cán bộ kiểm lâm Lường Văn Sử, chàng trai người Thái Sốp Cộp đã gắn bó với Hạt từ năm 2011.
Sinh năm 1983, sau khi nhận công tác tại Hạt, xã đầu tiên Sử được phụ trách là xã biên giới Mường Lạn. Thời điểm ấy, đường sá đi lại rất khó khăn, đời sống bà con còn nghèo lắm. Mới vào nghề, nhiều bỡ ngỡ, 6 năm gắn bó với Mường Lạn, khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả của người kiểm lâm địa bàn khi ăn rừng, ngủ rừng, sinh hoạt trong rừng hàng tuần, thậm chí hàng tháng.
Trên tuyến đường dọc các xã biên giới Sam Kha, Mường Lèo, Púng Bánh…, tiếp câu chuyện về những ngày mới bước vào nghề, Sử tâm sự: Sốp Cộp là huyện vùng biên đặc biệt khó khăn, 98% đồng bào dân tộc thiểu số, bà con thiếu đất canh tác, cộng thêm tập tục của bà con người Mông du canh dư cư, nên để ngăn chặn triệt để phá rừng làm nương rất khó. Còn nhớ vào năm 2012, tại một khu vực có 14 - 15 hộ dân sinh sống thì đều đi phát rừng ở khu giáp biên giới để lấy đất sản xuất. Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương lên ở hẳn địa bàn trong 6 tháng ròng, đến khi họ không canh tác được, bỏ không làm nữa thì mới được về.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, đã vượt bao núi cao, suối sâu để tuần tra, bảo vệ rừng, cũng đã đối diện với bao gian khổ, hiểm nguy. “Còn nhớ, có lần đi kiểm tra, xác minh thông tin vi phạm, con đường chỉ đủ một xe máy đi, khi đã đi sâu vào rừng thì các đối tượng vi phạm dùng cây chặn đường ra, cắm đinh trên đường. Nhiều khi không về được, chúng tôi phải đợi lực lượng công an vào hỗ trợ. Sự bất đồng về ngôn ngữ, quá trình tuyên truyền, giải quyết vấn đề phải nhờ vào các cán bộ xã, bản. Rồi những ngày lễ tết, ngày nghỉ là rất “xa xỉ”, bất cứ lúc nào, chỉ cần có tin báo từ quần chúng là chúng tôi phải đi ngay. Cũng bởi thế, hầu như từ khi vào nghề, tôi cũng chưa trọn vẹn được với gia đình, nhưng vì yêu nghề, tôi luôn dặn mình phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và chia sẻ để gia đình hiểu, cảm thông” - Anh Sử tâm sự.
Còn với kiểm lâm viên Quàng Văn Phỏng, hơn 40 năm gắn bó với những cánh rừng, chỉ hết năm nay là được nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn luôn giữ vững trong mình một trái tim đầy nhiệt huyết với màu xanh quê hương. Những bước chân của người kiểm lâm cần mẫn đã in dấu trên khắp những nẻo đường các xã vùng biên Sông Mã - Sốp Cộp.
Trong những năm tháng ấy, điều trăn trở nhất với ông Phỏng vẫn là câu chuyện đồng bào nghèo thiếu đất sản xuất mới dẫn đến phá rừng, làm nương rẫy. Ở đây, có những bản vùng cao phá rừng có tính chất tập thể, đông người, nên để xử lý sao cho đúng quy định mà vẫn đảm bảo tình hình an ninh trật tự luôn là trăn trở với các cấp chính quyền. Như thời điểm khoảng năm 2019 - 2020, tại xã Sam Kha, có hơn 50 hộ dân của một bản tham gia phá rừng; hoặc tại xã Mường Lèo, hơn 40 hộ dân tham gia phá rừng, nhưng lại thuê người xã bên cạnh để thực hiện vi phạm. Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho huyện thành lập Tổ công tác liên ngành ăn rừng, ngủ rừng để kịp thời ngăn chặn vi phạm; kết hợp tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, mới xử lý dứt điểm được vụ việc. Và để bà con dễ nghe, dễ hiểu, các cán bộ kiểm lâm cũng đã tìm tòi, nghiên cứu để soạn ra các văn bản tuyên truyền phù hợp với đồng bào. Bởi thế, dù huyện Sốp Cộp mới chia tách từ huyện Sông Mã năm 2003, tỷ lệ số vụ xử lý vi phạm về lâm nghiệp khá cao nhưng đây cũng là địa phương có độ che phủ rừng lớn của tỉnh Sơn La.
Để rừng mãi xanh…
Rời Sốp Cộp, chúng tôi tiếp tục theo chân cán bộ kiểm lâm Sông Mã đi tuần tra, bảo vệ rừng. Là người con của vùng đất Sông Mã, từ ngày 1/4 năm nay, Hạt trưởng Vũ Văn Hải lại được trở về bảo vệ những cánh rừng quê hương. “Đang mùa cao điểm nên cán bộ kiểm lâm địa bàn đều trực luôn tại xã, tại Hạt chỉ còn anh em văn phòng. Vì thế, nhiệm vụ dẫn phóng viên đi thực địa hôm nay được giao lại cho đồng chí Hạt trưởng” - anh Hải chia sẻ.
Hơn 17 năm trong nghề, anh Hải đã đi và gắn bó với hầu hết các địa phương toàn tỉnh, nhưng thời gian lâu nhất và những kỷ niệm sâu sắc nhất có lẽ vẫn là với vùng biên Sông Mã - Sốp Cộp. Đó là 2 lần bị người dân nhốt khi đi xác minh đối tượng phá rừng trái phép. Lần khác, khi đang truy bắt một xe ô tô chở gỗ lậu, các đối tượng đã dùng dao ném vào lực lượng chức năng. Hay như dịp nghỉ lễ 30/4 năm 2019, khi nhà nhà, người người quây quần sum họp, thì lực lượng kiểm lâm Sông Mã lại khẩn trương lao đi chữa cháy rừng. Mất gần một ngày mới lên tới điểm cháy, hoàn thành nhiệm vụ khi đã quá nửa đêm, trời tối, không nhìn rõ đường, cứ hướng nào lao được thì lao thôi. Anh em đành bảo nhau cứ xuống thì nguy hiểm nên chịu đói ngủ lại rừng đợi trời sáng.
Theo thống kê, toàn huyện Sông Mã hiện có hơn 61.300ha đất có rừng. Để ngăn chặn các vụ việc phá rừng, cháy rừng, lực lượng kiểm lâm đã xác định mùa vụ bà con gieo trồng trên nương, thường tháng 11 năm trước chuẩn bị đất và gieo hạt vào tháng 3, tháng 4 năm sau. Như vậy, trong khoảng 5 tháng này, các kiểm lâm viên phải trực 24/24 tại địa bàn, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm. Bởi thế, chính những ngày nghỉ lễ mới là thời gian càng phải tăng cường trực, tăng cường tuần tra, kiểm soát, truy quét vi phạm. May mắn là những năm gần đây, ý thức bảo vệ rừng của người dân đã nâng lên nhiều, giảm mạnh các vụ việc gây ảnh hưởng tới rừng.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng? Gian khổ sẽ dành phần ai?” - Với những người lính kiểm lâm nơi đây, niềm vui, niềm tự hào nhất với họ có lẽ là khi được ngắm nhìn màu xanh trải dài trên những sườn đồi, được lắng nghe tiếng rì rào khẽ hát của những tán cây xanh. Vì niềm tin ấy, họ sẵn sàng gác lại những tình cảm cá nhân, đêm ngày thầm lặng cống hiến, để bảo vệ những cánh rừng nơi phên dậu của Tổ quốc mãi xanh tươi.