Giữ màu xanh như giữ biên cương trên biển

30/05/2018 11:31

(TN&MT) - Với chủ đề “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển” - Lễ kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam lần thứ 10 năm 2018 sẽ diễn...

(TN&MT) - Với chủ đề “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển” - Lễ kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam lần thứ 10 năm 2018 sẽ diễn ra tại Quảng Ninh. Đây là một sự kiện chính trị, xã hội được tổ chức thường niên có ý nghĩa to lớn, như một lời kêu gọi, nhắc nhở mỗi công dân Việt Nam cần phải có ý thức hơn nữa với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên biển.
 
Giữ màu xanh như giữ biên cương trên biển
Ông Vũ Sĩ Tuấn​​​​​
Nhân dịp này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xung quanh sự kiện này.

PV: Được biết, Tuần lễ Biển và Hải đảo năm 2018 ngoài chủ đề chung “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển”, còn hướng tới mục tiêu cụ thể về việc khuyến khích các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và ngăn chặn rác thải nhựa. Ông có thể cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa có đang là vấn nạn lớn đối với môi trường biển Việt Nam hiện nay?

Ông Vũ Sĩ Tuấn: Tổ chức Bảo vệ Môi trường biển Ocean Conservancy vừa công bố, có tới  90% lượng rác thải trôi nổi trên biển là rác thải nhựa gồm: Vỏ bánh kẹo, chai lọ nhựa, túi nilon, thìa, dĩa, ống hút… Theo kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Lượng nhựa được tiêu thụ hàng năm tại châu Á được dự kiến sẽ tăng tới 80% trong 10 năm tới, vượt ngưỡng 200 triệu tấn vào năm 2025.
 
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có tới hơn phần nửa số rác thải này đến từ 5 quốc gia châu Á, đứng đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%. Theo sau Trung Quốc lần lượt là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka. Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân. Về phương diện kinh tế, một bản báo cáo của khối APEC đã cho thấy, rác thải biển đang gây thiệt hại gần 1,3 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia trong khối.
 
Chính vì vậy, bên cạnh chủ đề chung kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội chung tay bảo vệ môi trường biển bằng những hành động thiết thực như: Tổ chức Chiến dịch thu gom rác thải, vệ sinh bãi biển, trồng rừng ngập mặn, tăng cường công tác kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải ven biển và trên các hải đảo, việc chúng tôi đưa ra thông điệp về mức độ ô nhiễm chất thải nhựa trên biển hết sức quan trọng, “gióng lên hồi chuông” báo động về vấn nạn này để cùng nhau hạn chế tiêu thụ và xả bừa bãi chất thải nhựa, khuyến khích các hoạt động tái chế, sản xuất và tái sử dụng, góp phần thiết thực vì môi trường biển .
Giữ màu xanh như giữ biên cương trên biển 3
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với chủ đề “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển”. Ảnh : MH
PV: Bên cạnh chất thải nhựa, thực trạng vấn đề ô nhiễm môi trường biển Việt Nam dường như còn xuất phát từ các hoạt động khai thác và phát triển “nóng” kinh tế ven biển mà chưa được kiểm soát chặt chẽ? Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Ông Vũ Sĩ Tuấn: Đúng là đi cùng phát triển kinh tế biển, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Ô nhiễm môi trường vùng bờ, phát triển nhanh, thiếu kiểm soát những khu công nghiệp, khu chế xuất, du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Hiện có từ 70% - 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ đất liền, của các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ven biển, xả thẳng ra sông, ra biển, không qua xử lý. Các sự cố về tràn dầu, xả thải, nhấn chìm vật, chất cũng là những nguyên nhân làm cho môi trường biển bị ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng. Các vấn đề liên quan tới ô nhiễm do rác thải, chất thải, tràn dầu, nhấn chìm được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, trong đó, có các Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo.
 
Để các quy định của luật pháp đi vào đời sống, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thường xuyên tổ chức tuyên truyền, với nhiều hình thức khác nhau, tới mọi tầng lớp nhân cả nước, đặc biệt là người dân tại 28 tỉnh ven biển, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về phòng chống, ứng phó các sự cố môi trường biển.
 
Kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm, là dịp chúng tôi tổ chức những chiến dịch truyền thông rộng rãi, nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên về giá trị của tài nguyên, môi trường biển, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ chủ quyền, củng cố an ninh quốc phòng.

PV: Vậy, để có được hiệu quả truyền thông như mong muốn, Chương trình kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2018 có gì khác biệt, thưa ông?

Ông Vũ Sĩ Tuấn: Dưới sự đạo của Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng Trung tâm Truyền thông của Bộ TN&MT đã triển khai công tác tuyên truyền tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt, 28 tỉnh, thành phố ven biển thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; treo băng rôn, khẩu hiệu tại nơi công cộng, đường phố, công sở; phát động phong trào trồng cây chắn cát, chống xói lở, ngăn ngập mặn, thu gom xử lý rác thải.

Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển” nhằm hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới năm 2018 với cầu truyền hình liên kết 3 điểm cầu là Quảng Ninh, Quảng Trị và Bạc Liêu thay vì chỉ làm 1 điểm cầu như mọi năm. Với cách làm này, chúng tôi tin rằng, sức lan tỏa của sự kiện sẽ mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn và thông tin đến được với nhiều tầng lớp nhân dân ở nhiều địa phương khác nhau hơn.

Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng một Chương trình Gala hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2018, kết hợp Tọa đàm “Thanh niên với phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam” gồm 2 phần chính là "Vai trò và  trách nhiệm của Thanh niên trong bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” và "Vai trò và trách nhiệm của Thanh niên trong sự nghiệp phát triển bền vững biển và hải đảo, các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam". Đây có thể nói là một chương trình tổng hợp nhằm tạo ra những hiệu ứng truyền thông tích cực nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo và ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 

   “Ngày Đại dương Thế giới” là sáng kiến được Chính phủ Canada đề xuất vào năm 1992 tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro. Sau đó, được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của UNESCO thừa nhận vào Năm Quốc tế Đại dương (1998) tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha), khi đó, Việt Nam cũng tham gia sự kiện này. Từ năm 2009, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức chọn ngày 8/6 hàng năm là Ngày Đại dương Thế giới với mục tiêu nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà quản lý về vai trò rất quan trọng của biển và đại dương trong đời sống hàng ngày của chúng ta và cổ vũ các hành vi “vì sự bền vững của biển cả”.
    
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ màu xanh như giữ biên cương trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO