Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng hóa Việt Nam và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị |
Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì thị trường trong nước nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng đầu năm tuy giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Hải cho biết thêm: Hội nghị Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những hoạt động triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, được tổ chức như một diễn đàn tập hợp ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế nhằm thống nhất cách hiểu, cách làm trong việc giữ vững liên kết chuỗi sản xuất và phân phối, chủ động nguồn cung hàng hóa trong nước, đảm bảo chuỗi cung ứng trong sản xuất và lưu thông.
Toàn cảnh hội nghị |
Tại hội nghị cũng đã diễn ra hai phiên thảo luận với chủ đề “Kinh nghiệm liên kết, giữ vững chuỗi sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới” và “Những giải pháp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ trong nước góp phần tính tự chủ của nền kinh tế và phục hồi kinh tế”.
Các ý kiến từ đại biểu các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao các giải pháp phát triển thị trường trong nước, không để nguồn cung hàng hóa thiết yếu gián đoạn, kiểm soát được giá cả trên thị trường và kịp thời hướng dẫn, trao quyền cho các địa phương căn cứ vào những nguyên tắc phòng chống dịch của Trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương,...
Chia sẻ rõ về vai trò của chuỗi liên kết, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Từ xa xưa cho đến ngày nay, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một kinh tế của một quốc gia, đảm bảo hài hòa lợi ích, tận dụng nguồn lực của các chủ thể tham gia. Quá trình liên kết đó có những đặc điểm riêng và đóng vai trò quan trọng: Góp phần đảm bảo các bên cùng có lợi; làm tăng hiệu quả trong sản xuất - lưu thông - kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu quả, vai trò quản lý nhà nước về kinh tế.
Theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần phối hợp hiệu quả với các cơ quan nhà nước tại địa phương để tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh.
Những thông tin, ý kiến trao đổi tại hội nghị là cơ sở để Bộ Công Thương tổng hợp, đề xuất các giải pháp, chính sách trong thời gian tới, nhằm đảm bảo giữ vững liên kết chuỗi sản xuất và phân phối, chủ động nguồn cung hàng hóa trong nước nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".