Kỳ họp ghi dấu sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và nhân dân ta vượt qua khó khăn, tiếp tục tiến bước.
499 đại biểu Quốc hội tiêu biểu, xứng đáng nhất đã được gần 70 triệu cử tri lựa chọn, với mong muốn các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy hết năng lực, trách nhiệm của mình, là người đại diện cho tiếng nói, ý nguyện của cử tri trên nghị trường Quốc hội 5 năm tới.
Tại Kỳ họp này, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước sẽ mang đến nhiều kỳ vọng, gửi gắm tâm tư của nhân dân về một nhiệm kỳ mới. Trong đó, không thể thiếu việc đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình hành động và lời hứa với cử tri của mỗi đại biểu Quốc hội. Nhất định không để “lời hứa gió bay”.
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV |
Hơn lúc nào hết, nhân dân đang cần những đại biểu thật sự phải thân dân, phải có văn hóa chính trị công dân, cái gì có lợi cho dân phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Tiếng dân phải đầy ắp trong nghị trường, phải trở thành chính sách quốc gia và địa phương, ý dân là “nhựa sống” của Hiến pháp, pháp luật và chính sách.
Điều này cũng được nhấn mạnh trong bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV sáng 20/7. Ông kêu gọi các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó.
Tổng Bí thư đề nghị, trước mắt, cần tập trung làm tốt công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khóa XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới.
Một đất nước có trở nên hùng cường hay không, trước hết thuộc về khả năng truyền cảm hứng từ các nhà lãnh đạo tới người dân. Biến mục tiêu, khát vọng thành hành động, thành tầm nhìn và tư duy lãnh đạo, nhất là kỹ năng và cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Nhà nước trong bộ máy công quyền phải được đổi mới theo hướng kiến tạo và phục vụ nhân dân.
Như lời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi ông còn đương nhiệm Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định: “Bất cứ quốc gia - dân tộc nào muốn trở nên thịnh vượng đều phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phục vụ cho phát triển…”
Trên hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam sẽ còn gặp nhiều ngọn sóng lớn. Thế nhưng, khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chân của chúng ta, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên, làm cho kết quả đạt được trở nên tốt đẹp hơn và ý nghĩa sâu sắc hơn, xứng đáng là món quà truyền thừa cho con cháu trong tương lai.
Đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, song không ít khó khăn, thách thức, do đó, cử tri mong mỏi và tin tưởng các chức danh lãnh đạo được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại Kỳ họp này sẽ luôn nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Sớm chỉ đạo, cụ thể hóa các nội dung, chương trình đề ra; biến lời hứa trước cử tri, nhân dân thành hành động, kết quả rõ ràng.
Thực tế, khi cả hệ thống chính trị và người dân đồng lòng, quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn, sẽ biến cơ hội thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, chuyển nguồn lực thành kết quả tăng trưởng bền vững cho đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045 không phải là món quà có sẵn, mà là mục tiêu cao cả phải nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân để giành được.