Đầm Thị Nại không chỉ được ví như lá phổi xanh mà còn là nơi mưu sinh của hàng vạn gia đình lao động nghèo sinh sống nghề sông nước của thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát tỉnh Bình Định. Những năm qua, Bình Định luôn chú trọng công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn để chống thủy triều xâm thực và biến đổi khí hậu.
Đầm Thị Nại không chỉ được ví như lá phổi xanh mà còn là nơi mưu sinh của hàng vạn gia đình lao động nghèo |
Rừng ngập mặn được phục hồi làm nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài tôm, cua, cá và các loài thủy sản khác, tạo sinh kế cho người dân vùng ven đầm. Không chỉ những người làm nghề thả lưới, mà cả người làm nghề đào sìa, phễnh cũng có thu nhập dưới tán rừng ngập mặn.
Đời sống người dân quanh đầm có một nhịp sống phụ thuộc theo nhịp con nước lên xuống của đầm. Khi thủy triều lên thì người dân đánh bắt tôm, cua, cá và khi thủy triều rút họ bắt nghêu, ngao, ốc, trùng biển nằm sâu dưới lớp bùn đất của đầm. Thời điểm người dân đánh bắt thủy sản trên đầm thường từ 20 giờ ngày hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau, vì đây là thời điểm tôm, cá trên đầm đi ăn nhiều nhất. Muốn khai thác thủy sản được nhiều, họ phải nắm rõ quy luật hoạt động, từng nhịp thở của đầm trong một ngày theo chu kỳ nhất định.
Cuộc sống mưu sinh của người dân trên đầm Thị Nại |
Để hiểu hơn về cuộc sống mưu sinh của người dân trên đầm Thị Nại vất vả nhọc nhằn như thế nào, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Ba, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước đi đánh bắt cá.
Trên chiếc xuồng nhỏ lênh đênh, một mình một thuyền, ông Ba vật lộn với chiếc lưới đánh bắt cá đang rối tung cuộn nhiều vòng. Ông Ba vui vẻ chia sẻ: Tuy thu nhập không ổn định lúc nhiều lúc ít nhưng vẫn đủ sống qua ngày, cuộc sống người dân sinh sống ven đầm chỉ có vậy, tối đi đánh bắt tôm, cá đến mờ sáng, khi nào nước rút lại ra cào sìa, phễnh, ngao để bán ngày kiếm được gần 200 ngàn đồng, nhưng có ngày chẳng có đồng nào.
Người dân ngụp lặn ngâm mình dưới đầm để mưu sinh |
Ông Ba dẫn chúng tôi ngao du trên đầm và tới vùng nước cạn gặp gỡ những người phụ nữ có mặt từ giữa khuya đến sáng sớm để cào sìa, đào ngao, đào nghêu. Họ dùng chiếc cào có cán gỗ dài đào từng hốc bùn moi ngao, nghêu nằm dưới lớp đất bùn sâu lên. Nhiều người trong số họ đã gắn bó với nghề này trên 30 năm, mặc dù thu nhập mỗi ngày bấp bênh lên xuống như nhịp sống theo con nước trên đầm.
Nói về nghề, bà Nguyễn Thị Xíu, ở xã Phước Sơn tâm sự: Tôi làm nghề này mấy chục năm nay, ngày đầu về làm dâu đã theo chồng đi đánh bắt cá, cào ngao rồi. Mỗi ngày kiếm cũng được 150 – 200 ngàn đồng. Mưu sinh trên đầm diễn ra liên tục trong năm, mùa nào thức ấy, nhưng mùa hè chính là mùa “ăn nên làm ra” của người dân ven đầm. Hè đến, ngao ốc chắc thịt, nước triều rút sâu tạo thành vùng “làm ăn” rộng lớn để dễ dàng cho việc phân chia “lãnh thổ” cào xới, nhặt nhạnh ngao, ốc của người dân trong vùng.
Người dân dầm mình dưới nước trong thời tiết nắng như đổ lửa |
Người dân đánh bắt thủy sản trên đầm không chỉ dựa vào sức lực, đôi bàn tay dẻo dai, rắn chắc để cào, đãi mà phải rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại. Bởi khi con tôm, cua, cá mắc vào lưới, họ kéo lưới lên bờ, sau đó cùng nhau gỡ từng con tôm, cá ra khỏi lưới giăng. Họ dầm mình dưới nước trong thời tiết nắng như đổ lửa. Ngâm mình dưới nước sâu chỉ nhìn thấy những mái đầu nhấp nhô che nắng bằng chiếc nón sờn cũ kỹ nổi lên mặt nước cùng các dụng cụ hành nghề thô sơ, hoạt động miệt mài với đôi bàn tay săn chắc, sạm nắng, nứt nẻ như bờ ruộng cạn của người dân miền biển.
Người phụ nữ miệt mài ngồi gỡ từng miếng rau câu phơi cho kịp nắng |
Giữa cái nắng gắt chói chang, tôi nhìn thấy một người phụ nữ miệt mài ngồi gỡ từng miếng rau câu phơi cho kịp nắng, rồi lại tất bật chèo xuồng tìm những phiến đá, nơi mé đầm có rau câu bám để lấy. Cứ thế, công việc lặp đi lặp lại theo quy trình có sẵn như chạy đua với sự lên xuống của con nước.
Bà Nguyễn Thị Tuyền, ở xã Phước Sơn chia sẻ: Cả đời chúng tôi sống trên con đầm và sau này vẫn thế. Cứ theo con nước lên xuống mà đánh bắt thủy sản mưu sinh hàng ngày. Ngày nào thuận trời có thêm thu nhập, có ngày chả có cái gì mà ăn. Rau câu mọc ven đầm và trên các cồn đá, nước cạn thì lấy, nước lớn thì nghỉ không làm. Rau câu chỉ làm mùa nắng, chứ mùa mưa không làm được.
Nhóm người đang hò nhau kéo lưới đưa con dẹm vào bờ |
Rồi ở đằng xa một nhóm người đang hò nhau kéo lưới đưa con dẹm vào bờ. Đây là loài thủy sản người dân đánh bắt bán cho thương lái phục vụ cho các cơ sở nuôi tôm hùm trong và ngoài tỉnh. Khi kéo được con dẹm vào bờ, bà con lại xúm nhau ngồi gỡ rừng con một ra khỏi lưới đánh bắt.
Bà Lê Thị Phùng, ở xã Phước Sơn cho biết: Con dẹm có giá 80.000/ký, một năm chỉ đánh bắt con dẹm khoảng 02 đến 03 đợt. Một ngày thu hoạch được một tấn, nhưng hai ba tháng mới thu hoạch một lần. Nước mặn quá con dẹm cũng không thể sinh sống được nên nuôi được nó chờ đến ngày thu hoạch rất lâu.
Kéo được con dẹm vào bờ, bà con lại xúm nhau ngồi gỡ rừng con một ra khỏi lưới đánh bắt. |
Công việc vất vả, lam lũ, nhọc nhằn, nguồn thu nhập bấp bênh lúc ít, lúc nhiều, thế nhưng, người dân ven đầm Thị Nại vẫn gắng gượng trang trải cuộc sống qua ngày, tiếp tục theo nghiệp mưu sinh trên con nước cho đến cuối cuộc đời và chờ đợi phép màu làm thay đổi cuộc sống của họ.
Cuộc sống lênh đênh trên sông nước đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng người dân ven đầm từ xa xưa và được lưu giữ đến hôm nay. Họ dựa vào đầm Thị Nại sinh sống qua nhiều thế hệ vì được hưởng lộc trời của thiên nhiên. Từ đó, người dân nơi đây có tâm lý muốn giữ gìn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho thế hệ con cháu kế cận đều được hưởng thụ để nuôi sống gia đình, mở rộng lãnh địa làng, tộc nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Những ngày gần đây, người dân xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước quyết liệt phản đối Công ty Phú Hiệp khai thác hút cát bằng sà lan để bảo vệ nguồn sinh kế trên đầm Thị Nại |
Bởi vậy, họ cùng nhau phản đối các doanh nghiệp hút cát, ngăn cản hành động đánh bắt thủy sản bằng lưới lồng, xung điện xiết máy, làm thu hẹp diện tích mặt nước đầm để xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng, biệt thự trên đầm, nhằm mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản không bị cạn kiệt, hủy diệt, phá hủy hệ sinh thái, không làm mất đi nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây.