Xã hội

Gieo hạt giống đỏ gặt mùa xuân xanh

GS, TS Trần Văn Bính - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 09/02/2024 - 19:01

(TN&MT) - Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, nhất là từ sau thực hiện Đổi mới, hệ thống quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ngày càng định hình, hoàn thiện, nhất quán và xuyên suốt, phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, là tài sản tinh thần quý giá gieo vào mảnh đất hiện thực để nhân lên những mùa xuân xanh vĩnh cửu.

Kể từ Đại hội lần thứ VI (1986) đến Đại hội XIII (2021) của Đảng; từ Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (1991) đến Chỉ thị 36/1998/CT-TW, Nghị quyết số 41-NQ/TW, Nghị quyết 24-NQ/TW…, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta về phát triển bền vững ngày càng được hoàn thiện. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: "Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường".

sd.-gieo-hat-giong-do.-su-dung-hieu-qua-moi-nguon-luc-tao-dong-lucdua-dat-nuoc-phat-trien-nhanh-ben-vung.-tac-gia-vu-trung-duy.png

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã kế thừa, phát huy những nội dung tiến bộ về yêu cầu, nhiệm vụ phát triển xanh hướng đến sự ổn định, bền vững, thịnh vượng của đất nước và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm tính bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người.

“Vì con người” là yêu cầu tối thượng mà Đảng ta luôn lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thể hiện rõ trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và được điều chỉnh nhiệm vụ phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở Biên giới phía Bắc và Biên giới Tây Nam, tiếp đó là những năm tháng đất nước tập trung hàn gắn chiến tranh, hòa bình độc lập tự do là mục tiêu hàng đầu vì con người. Từ sau Đổi mới (1986), mục tiêu “vì con người” được gắn với vấn đề phát triển xanh, phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn gìn giữ cho muôn đời sau; nhiệm vụ này cũng ngày càng định hình, phát triển toàn diện hơn, theo xu hướng thế giới, phù hợp với thời đại.

Có thể thấy, quá trình lãnh đạo đất nước, quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng đều hướng đến yêu cầu tiết kiệm cho thế hệ mai sau, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện môi trường, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Quan niệm về phát triển bền vững cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". 1 trong 5 vấn đề "chúng ta cần" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra, đó là: "Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ, hủy hoại môi trường".

Việc giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa phát triển và môi trường là một trong những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, cũng chính là mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định, kiên trì theo đuổi. Không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường.

Trong quan điểm của Đảng ta, bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; trong phát triển bền vững, con người luôn giữ vị trí trung tâm. Chúng ta “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần” và “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ mục đích, yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Phát triển bền vững là hướng đến mục tiêu đó, đặt con người vào vị trí trung tâm, tất cả vì con người, những phát sinh, sáng chế, thành tựu của khoa học - công nghệ đều phải hướng đến xây dựng môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường sống, không gây độc hại cho con người; ứng phó có hiệu quả với biến đổi của khí hậu, nhất là những hiện tượng thiên tai bất thường, có sức tàn phá mạnh.

sd.-gieo-hat-giong-do.-dat-nuoc-vao-xuan.png

Yếu tố con người trong mối quan hệ phát triển bền vững theo quan điểm của Đảng gắn với công bằng không chỉ đặt ra trong một trường độ không gian, thời gian nhất định mà còn đảm bảo yếu tố kế thừa, xuyên suốt giữa các thế hệ hôm nay và mai sau. Đây chính là nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng hiệu quả quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển con người trong chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững có ý nghĩa đặc biệt, mang lại nhiều thành tựu quan trọng; là yêu cầu tất yếu nhằm thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện, nhất là phát huy nhân tố con người trong mục tiêu phát triển xanh bền vững, góp phần thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Có thể thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, những định hướng đúng đắn, kịp thời, nhân văn tiến bộ của Đảng đã góp phần đưa nước ta ngày càng phát triển ổn định cả về kinh tế, xã hội, môi trường; thiết thực mang lại hạnh phúc cho dân; bồi đắp lòng tin của dân với Đảng; tăng uy tín, tạo thế và lực Việt Nam trên trường quốc tế, đúng như khẳng định của Tổng Bí thư: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay".

6.jpg

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và cuộc đua phát triển trên thế giới đang đe dọa sự tụt hậu của bất cứ quốc gia nào thì trước mắt chúng ta là bề bộn khó khăn. Nhưng, với ý chí, quyết tâm cao, với tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", chắc chắn, Đảng sẽ chèo lái con thuyền Việt Nam vượt thác ghềnh đến bến bờ vinh quang như mục tiêu đã đề ra. Thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đạt được những kết quả to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực về phát triển xanh, phát triển bền vững. Bằng những thắng lợi ấy, thêm một lần nữa khẳng định: Đảng đang gieo những “hạt giống đỏ” vào mảnh đất cuộc sống để gặt về những mùa xuân xanh cho đất nước. Mùa xuân ấy sẽ tạo khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới để toàn Đảng, toàn dân “tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phấn đấu, quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa, sáng suốt nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”, xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển, cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, như Bác Hồ và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hằng mong đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gieo hạt giống đỏ gặt mùa xuân xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO