Thế nhưng, với sai phạm trong quản lý đất công ở TP Hồ Chí Minh hay TP Hà Nội đang được cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc xử lý, khiến dư luận không khỏi giật mình.
Cái sự giật mình ấy, không hẳn do quy mô sai phạm mà còn do sự “bí bách” cách giải quyết, sự buông lỏng, có phần bao che của chính quyền sở tại, khiến sai phạm kéo dài, gây bức xúc dư luận. Về vấn đề này, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát đất công là do khâu quản lý của chúng ta còn lỏng lẻo.
Điều quan ngại, cái sự lỏng lẻo trong quản lý lại tồn tại như một câu chuyện dài kỳ với nhiều “u, cục” gây tổn hại sức khỏe cho nền kinh tế và hệ thống chính trị. Không nói đâu xa, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh, việc công khai “câu chuyện dài kỳ và bức xúc” của người dân về 648 khu đất công đang nằm ngoài sổ sách; chính quyền bỏ ngân sách mua lại hàng chục nghìn căn hộ và nền đất phục vụ tái định cư nhưng đến nay vẫn bỏ hoang… đã cho thấy tính nghiêm trọng của “u, cục” trong quản lý đất công hiện nay. Hay như sự vụ công trình sai phạm của gia đình ca sỹ Mỹ Linh, Việt phủ Thành Chương của họa sĩ Thành Chương (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) vừa được xới lên mấy ngày qua cũng vậy. Sau 12 năm, vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức pháp luật. Việc chỉ đạo xử lý những sai phạm trên đất rừng phòng hộ của UBND TP từ giai đoạn 2006 đến nay (theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ) tới UBND huyện Sóc Sơn đều bị “vô hiệu hóa”. Cái sự “trên bảo dưới không nghe” này như giọt nước tràn ly, đã buộc UBND TP Hà Nội lại một lần nữa phải “phát lệnh” thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại các xã Minh Phú và Minh Trí (huyện Sóc Sơn). Vấn đề quản lý đất công, hẳn là chưa khi nào hết nóng!
Nhiệm vụ theo dõi, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai là nội dung đổi mới của Luật Đất đai năm 2013. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai là thành phần của hệ thống thông tin đất đai; được thiết lập thống nhất từ T.Ư tới địa phương và được công khai trên mạng thông tin quốc gia theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc theo dõi, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai ở các địa phương hiện vẫn thực hiện mỗi nơi theo một cách riêng, vì chưa xây dựng được hệ thống theo dõi đánh giá và hướng dẫn thống nhất trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, việc đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương còn chưa được quan tâm, chưa tổ chức được bộ máy để triển khai, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện…
Thông tin từ Bộ TN&MT cũng cho biết, thống kê khiếu nại, tố cáo trong công tác quản lý đất đai chiếm đến 60%. Sau khi có Luật Đất đai 2013, tình hình khiếu nại tố cáo giảm đi nhưng vẫn là vấn đề nóng. Vì vậy, để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý được sai phạm hiệu quả, tránh được những cái “giật mình” không đáng có thì ngoài các biện pháp mạnh, rõ ràng cần tăng cường công tác đánh giá quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương.