Đốt rừng… vì bị thu gỗ
Rừng đặc dụng Tà Xùa được thành lập theo quyết định số 792/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh Sơn La. Diện tích sau quy hoạch năm 2013 là 17.650ha, trong đó hơn 15.000ha rừng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Nằm ở sườn Đông Nam của dãy Hoàng Liên Sơn, địa hình hiểm trở, RĐD Tà Xùa có nhiều loại động thực vật quý hiếm, nhiều kiểu rừng có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học. Cũng bởi thế, giai đoạn những năm 2010-2013, đây cũng từng là điểm nóng về nạn khai thác rừng trái phép, chủ yếu là gỗ pơ mu.
Chúng tôi có dịp lên thăm Trạm quản lý và bảo vệ rừng Mường Thải, trên địa bàn xã Mường Thải, huyện Phù Yên, 1 trong 3 trạm thuộc Hạt kiểm lâm RĐD Tà Xùa. Quản lý, bảo vệ hơn 7.000ha rừng, với vỏn vẹn… 4 cán bộ kiểm lâm! Chỉ như thế, đã có thể thấy công việc thường ngày của các anh không hề đơn giản. Công tác tuần tra rừng thường thực hiện 2 lần/tháng, chủ yếu phối hợp với các tổ, bản quản lý, bảo vệ rừng của từng bản. Những tháng cao điểm mùa khô, tần suất tuần rừng sẽ nhiều lên, đề phòng nguy cơ cháy rừng.
Thế nhưng, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác trực bảo vệ rừng cũng đang thiếu thốn. Căn nhà gỗ cấp 4 nơi các anh làm việc, sinh sống đã xuống cấp nghiêm trọng. Anh Đinh Công Phong, kiểm lâm địa bàn, đã có 15 năm gắn bó với nghề chia sẻ: Trạm được xây dựng từ năm 2013, đất mua lại từ người dân trong xã và được UBND huyện Phù Yên hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà gỗ hiện nay.
Sau 5 năm, giờ căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, mùa nắng thì nóng kinh người, mùa mưa bão thì không ai dám ở lại vì rất nguy hiểm, đành phải xuống ở nhờ người dân trong bản.
Tâm sự thêm về những gian nan, vất vả trong nghề, anh Phong cho biết: Những kỷ niệm ăn rừng, ngủ rừng, tuần tra, kiểm soát lâm sản quá nhiều nên cũng không thể kể hết được. Nhưng buồn nhất là có một số hộ dân vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ rừng, nên còn tình trạng khai thác nhỏ lẻ. Khi bị kiểm lâm thu gỗ, đối tượng có thể tông xe trực tiếp vào cán bộ hoặc giữ cán bộ lại để tẩu tán tang vật. Thậm chí, có đối tượng sau khi bị thu gỗ, đã bỏ chạy rồi ngay lập tức tiến hành… đốt rừng, chỉ để trả thù cán bộ.
Ông Nguyễn Trọng Lưu, Hạt phó Hạt kiểm lâm RĐD Tà Xùa nhớ lại: Khoảng năm 2015, sau một lần tổ chức triệt phá cây thuốc phiện, khoảng 3 giờ sáng hôm đó, ngay cạnh trụ sở UBND xã Háng Đồng, một số đối tượng đã đến châm lửa… đốt rừng. Dù đã nhanh chóng dập tắt ngọn lửa, diện tích thiệt hại không lớn, nhưng chúng tôi thấy rất buồn. Và không chỉ một lần, rất nhiều lần, cứ thu gỗ xong là các đối tượng sẽ đốt rừng lần ấy để chống đối lực lượng kiểm lâm. Bởi thế, chúng tôi đề nghị các cấp ủy, địa phương cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm thì công tác quản lý, bảo vệ rừng mới đạt hiệu quả cao hơn. Hiện, công tác phối hợp đã có, nhưng tại một số địa phương vẫn cho rằng đây chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng kiểm lâm.
Cần thêm nguồn lực đầu tư bảo tồn rừng
Trải rộng trên địa bàn 3 xã thuộc 2 huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, những năm qua, Hạt kiểm lâm RĐD Tà Xùa đã phối, kết hợp với Hạt kiểm lâm 2 huyện Phù Yên, Bắc Yên xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Kiện toàn các Ban chỉ huy, tổ đội quản lý bảo vệ rừng tại 3 xã Mường Thải, Suối Tọ, Háng Đồng. Ký cam kết thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR giữa Chủ tịch UBND xã, và các cơ sở bản. Trước khi vào mùa khô, xây dựng phương án bảo vệ, PCCCR, khoanh vùng trọng điểm cháy rừng. Vào cao điểm mùa khô, huy động lực lượng trực PCCCR 24/24 giờ, phối hợp xã, bản tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra sản xuất nương rẫy.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Kết quả, trong năm 2017, đã tổ chức tuyên truyền cho 10 bản với hơn 500 lượt người. Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện, lập biên bản 14 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giảm mạnh 65% số vụ và khối lượng so với năm 2016. Từ đầu năm 2018 tới nay, đã tổ chức tuyên truyền được 13 bản với khoảng 1.000 lượt người. Kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 7 vụ vi phạm…
Ông Phùng Lạc Tuyên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm RĐD Tà Xùa cho biết: Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, ý thức của người dân ngày càng được nâng lên. Trong 5 năm trở lại đây, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã giảm mạnh rõ rệt.
Tuy nhiên, hiện nay, Hạt chỉ có 10 cán bộ được phân công trực tại 3 trạm quản lý và bảo vệ rừng, trong khi địa bàn rất rộng, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. Như vậy, số biên chế cán bộ chưa đáp ứng được diện tích quản lý. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại các trạm cũng chưa được đầu tư xây dựng. Mới có Trạm Suối Tọ được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Dự án phát triển lâm nghiệp tỉnh Sơn La KfW7 năm 2012. Cơ sở vật chất của 2 trạm còn lại đang xuống cấp rất nghiêm trọng.
Đặc biệt, trong khu vực có 4 dân tộc sinh sống là dân tộc Mông, Mường, Dao, Kinh. Trong đó, dân tộc Mông chiếm tới 70%, tại 2 xã Suối Tọ và Háng Đồng, dân tộc Mông chiếm tới 100%. Người dân nơi đây sống dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp và tài nguyên rừng. Ngay trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt còn 2 bản Làng Sáng và Háng Đồng C còn sinh sống, với khoảng gần 80 hộ dân. Do đó, hiện tượng vi phạm dù giảm nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân bản địa, thiếu việc làm, đói lúc giáp hạt, nên thường lợi dụng vào rừng khai thác và vác thuê, mua đi bán lại, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý tài nguyên rừng.
Việc kiểm tra, kiểm soát lâm sản trong rừng đặc dụng còn hạn chế, do việc khai thác xảy ra ở các khu vực giáp ranh, xa dân cư. Khi phát hiện, việc xử lý tang vật tại hiện trường không huy động được lực lượng do cự ly vận chuyển quá xa.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng thiếu nguồn lực để triển khai. Hiện Hạt kiểm lâm RĐD Tà Xùa vẫn chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR là chính.
Năm 2018, Hạt kiểm lâm RĐD Tà Xùa đang tập trung bảo vệ 15.211ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; xúc tiến khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 1.462ha phân khu phục hồi sinh thái. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra kiểm soát các tụ điểm thường xuyên khai thác, mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn 3 xã. Các tuyến đường giao thông như Huy Bắc, Bắc Yên, Noong Cốp, Nà Xá, Suối Chiếu…
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, Hạt đã tổ chức ký cam kết và giao trách nhiệm cho cán bộ địa bàn, cán bộ địa bàn để xảy ra khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, cháy rừng, phá rừng làm nương rẫy, không phát hiện báo cáo kịp thời thì tùy mức độ vụ việc vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp.
“Hạt kiểm lâm RĐD Tà Xùa đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện sớm đầu tư cơ sở vật chất cho 2 trạm quản lý, bảo vệ rừng Háng Đồng và Mường Thải, để cán bộ yên tâm trực bảo vệ rừng. Cũng như có thêm nguồn lực đầu tư để thực hiện các nghiên cứu bảo tồn loài, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực này” – ông Phùng Lạc Tuyên thông tin.