Theo kế hoạch của Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ dành khoản kinh phí trị giá 1.350 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề.
Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội hiện nay đang thu hút được gần một triệu lao động tham gia, trong đó có hơn 700 nghìn lao động thường xuyên, chiếm hơn 60% tổng số lao động trong độ tuổi lao động của làng và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên toàn địa bàn thành phố. Chiếm vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế nông thôn nên việc giữ gìn và phát triển nghề của làng một cách bền vững, gắn bảo vệ môi trường cần nhận được sự quan tâm thích đáng.
Nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, huyện Thường Tín được mệnh danh là “đất trăm nghề” với 126 làng nghề thủ công rải rác khắp huyện, trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, do tính chất tiểu thủ công, sản xuất nhỏ lẻ nên nhiều năm nay, đây cũng chính là những “điểm nóng” về môi trường.
Đầu tư máy móc hiện đại tăng chất lượng sản phẩm |
Tại xã Hòa Bình, huyện Thường Tín - nơi mà nghề chế tác các sản phẩm từ xương và sừng động vật đã tồn tại gần 650 năm, bầu không khí lúc nào cũng đặc quánh bụi và hôi nồng nặc do việc chế tác của các xưởng sản xuất gây ra.
Không gian sản xuất chật hẹp giữa khu dân cư đông đúc, trong khi đó, chất thải không được thu gom, xử lý theo hệ thống riêng biệt mà chủ yếu đốt thủ công để tiêu hủy. Bản thân chủ sản xuất của các cơ sở tại đây cũng nhận thức được tính chất độc hại của công việc nhưng vẫn vừa làm vừa nuôi hy vọng về một khu sản xuất tập trung trong tương lai.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, trong khi điều kiện của các đơn vị sản xuất, hộ sản xuất còn nhỏ bé thì việc hỗ trợ đầu tư của nhà nước là vô cùng cần thiết. Điển hình như Đề án Hỗ trợ Đầu tư Máy ép nhựa Hải Thiên PL2500/1000J theo chương trình Khuyến công Thành phố năm 2019 tại Công ty TNHH Quảng Thiên Phú, Cụm 11, Thôn Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội đã góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Máy ép nhựa Hải Thiên PL2500/1000J làm tăng chất lượng sản phẩm so với máy cũ cơ sở đang sử dụng. Máy móc được ứng dụng trong công đoạn sản xuất đã nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Trước đây với công nghệ lạc hậu, đến nay đã sản xuất với số lượng lớn phục vụ cho thị trường tiêu dùng.
Từ hiệu quả của việc hỗ trợ đầu tư, cho thấy, để giải quyết ô nhiễm ở làng nghề và nâng cao chất lượng sản phẩm, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân thì cần các cấp chính quyền địa phương cùng vào cuộc hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các hộ sản xuất để có các giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm ngay từ đầu nguồn phát thải, hướng đến sản xuất sạch hơn, tiết kiệm và tận dụng được nguồn thải trong quá trình sản xuất để phục vụ cho các hoạt động kinh tế khác.