Giám sát việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính tại Cần Thơ

30/03/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 30/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đã làm việc với UBND TP.Cần Thơ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016, trong đó tập trung về sắp xếp nhân sự.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu tại buổi làm việc tại Cần Thơ.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu tại buổi làm việc với TP.Cần Thơ.

Tại buổi làm việc, bà Cao Thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu vấn đề số lượng cấp phó ở một số Sở của thành phố nhiều hơn quy định cụ thể như: Sở Nội Vụ, Công Thương có 5 phó giám đốc, Sở Y tế có 4 phó giám đốc, trong khi quy định chỉ 3 cấp phó/sở. Số lượng lãnh đạo cấp phòng nhiều hơn nhân viên, như Sở Tư pháp có 9 trưởng phòng, 10 phó phòng/24 công chức; Sở LĐTBXH có 10 trưởng phòng, 12 phó phòng/15 công chức; Sở Y tế có 17 trưởng phó phòng/18 công chức.

Các thành viên đoàn giám sát cũng đặt vấn đề về việc thành phố thành lập quá nhiều ban chỉ đạo; cán bộ không chuyên trách cấp xã tăng quá nhiều và đặc biệt là việc tiếp nhận bổ nhiệm trường hợp ông Vũ Minh Hoàng có nhiều dư luận trái chiều trong thời gian qua. “Có phải xuất phát từ lợi ích hay từ yêu cầu quản lý nhà nước cần phải có nhiều lãnh đạo mới làm được?” – GS Trần Ngọc Đường, thành viên Đoàn giám sát, băn khoăn.

Giải trình với đoàn giám sát, về số lượng cấp phó nhiều hơn so với quy định tại 4 sở, cơ quan ngang sở, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ – Võ Thành Thống, nêu rõ: Sở Nội vụ có 5 phó giám đốc, trong đó có một người biệt phái, còn dư 1 người là vì Sở này được ghép lại từ các bộ phận Nội vụ, Thi đua khen thưởng, Tôn giáo. Ban Dân tộc có 4 phó ban, vì cần có người dân tộc để đáp ứng yêu cầu tình hình. Sở Y tế có 4 phó giám đốc, do nhu cầu công tác và trong đó có 2 người cấp phó lớn tuổi, sắp nghỉ hưu. Sở KH-ĐT có 5 phó giám đốc (dư 2) từ trước khi có Nghị định 51. Về tình trạng cấp phó giám đốc các sở dư so với quy định, hiện thành phố đang tính toán phương án sắp xếp lại cho phù hợp.

Đại diện lãnh đạo các Sở liên quan, giải trình về tình trạng cấp phó phòng nhiều hơn quy định. Giám đốc Sở Nội vụ - Nguyễn Hoàng Ba, cho biết: Chỉ có Sở Nội vụ quy định cứng cấp phòng có 2 phó. Ở cấp quận huyện, có nơi bố trí một phó, có nơi bố trí 2, 3 phó phòng tùy theo chức năng nhiệm vụ. Một số sở ghép phòng lại nên lãnh đạo phó phòng nhiều. Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Lê Thị Hải Yến, cho biết Sở này có 9 phòng chuyên môn nhưng có 10 phó phòng, thêm một phó trưởng phòng của Phòng lý lịch tư pháp vì việc rất nhiều nên tăng thêm 1 phó phòng để phụ với trưởng phòng giải quyết công việc. Phó Giám đốc Sở Y tế - Nguyễn Phước Tồn, cho hay Sở có 7 phòng chức năng nhưng có 10 phó phòng vì có 2 phòng lớn và bộ phận Thanh tra cần có 2 cấp phó.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Về cán bộ cấp xã tăng tuy nhiên theo Giám đốc Sở Nội vụ - Nguyễn Hoàng Ba, số tăng vẫn chưa đủ vì so với quy định thì đến nay cấp xã vẫn còn thiếu tới 340 cán bộ, trong đó 128 người không chuyên trách và 212 công chức. Việc thành lập nhiều Ban chỉ đạo các cấp là để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc và không ảnh hưởng tới biên chế.

Về trường hợp bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, ông Thống, nói: “Đối tượng này có học hành, đặc biệt ngoại ngữ, thành phố rất cần cho công việc bố trí tại Trung tâm xúc tiến thương mại. Trên cơ sở đối tượng này đã là phó vụ trưởng Vụ kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nên tiếp nhận về phải bố trí vị trí tương ứng. Xuất phát từ lúc đầu chúng tôi cần cho công việc. Vấn đề đúng sai, theo thành phố được biết, Ủy ban Kiểm tra TW đã có đoàn vào kiểm tra nhưng chưa kết thúc nên chưa có kết luận sau cùng. Thành phố chờ kết luận sẽ có xử lý tiếp theo. Liên quan sự việc này, Bộ Nội vụ cũng đã cử đoàn vào làm việc và đã báo cáo Thủ tướng. Hôm qua tôi có nhận văn bản của Văn phòng Chính phủ tinh thần chung cũng chờ kết quả của Ủy ban Kiểm tra TW nên giờ cũng chưa báo cáo cụ thể hơn được”.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - Võ Thành Thống, việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn của thành phố hiện nay chưa đạt hiệu quả cao. Thủ trưởng các đơn vị, cơ quan chưa mạnh dạn trong công tác đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức để thực hiện tinh giản biên chế trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Số lượng các ban chỉ đạo, hội đồng của hành phố còn nhiều nên không tránh khỏi tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Một người tham gia nhiều ban chỉ đạo sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kết quả hoạt động của các ban chỉ đạo chưa cao.

Ông Thống cũng cho rằng bộ máy của thành phố còn khá cồng kềnh, đặc biệt là hệ thống đơn vị sự nghiệp. Việc tinh giản biên chế đến nay mới đạt 3,6%, thành phố cần có chủ trương, hướng dẫn của cơ quan trung ương để tinh giản biên chế đạt 10% trong năm 2021.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội - Uông Chu Lưu, lưu ý thành phố một số trọng tâm về việc tinh gọn bộ máy; giảm biên chế theo chỉ tiêu đề ra; nên căn cứ vào chủ trương của trung ương là quản lý đa ngành đa lĩnh vực để xác định chức năng sở ngành cho phù hợp và nên nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giao quyền tự chủ, hoặc xã hội hóa.

Hùng Long

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính tại Cần Thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO