Giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á cần sự hợp tác của các Quốc gia
(TN&MT) - Ngày 29/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) phối hợp cùng Mạng lưới EANET tổ chức Hội nghị liên Chính phủ của Mạng lưới Giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET) lần thứ 25. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã tham dự Hội nghị.
Hội nghị còn có sự tham gia của bà Marlene Nilsson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP); TS. Shiro Hatakeyama - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí Châu Á – Nhật Bản; Ban Thư ký EANET, Trung tâm Mạng lưới (NC); Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Khoa học lần thứ 23 (SAC 23), các nhà quản lý, các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đại biểu các nước thành viên Mạng lưới.
Khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, ô nhiễm không khí và lắng đọng axit đang trở thành vấn đề cấp thiết không chỉ đối với Việt Nam mà hầu hết các nước trong khu vực châu Á và trên toàn thế giới.
Lắng đọng axit làm suy thoái môi trường sống tự nhiên, suy thoái môi trường đất, nước và các hệ sinh thái, gây ra hậu quả nặng nề đối với ngành nông nghiệp, thuỷ sản, các công trình xây dựng và đáng chú ý nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Việc kiểm soát lắng đọng axit đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi các nghiên cứu mang tính liên ngành và sự hợp tác giữa các quốc gia có chung đường biên giới.
Bộ TN&MT đã và đang tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách quan trọng về bảo vệ môi trường và kiểm soát ô nhiễm không khí. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025, làm cơ sở để các tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng thực hiện xây dựng hệ thống trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn và môi trường, trong đó có quan trắc lắng đọng axit, trên phạm vi cả nước, hỗ trợ tăng cường việc giám sát khí hậu và chất lượng không khí, chủ động kiểm soát nguồn phát thải chính và đưa ra giải pháp khắc phục sự cố kịp thời.
Việt Nam là một trong các Quốc gia tham gia Mạng lưới EANET từ những năm đầu tiên và luôn tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới. Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, trong suốt 20 năm là thành viên, Việt Nam đã xây dựng và vận hành mạng lưới quan trắc lắng đọng axit chất lượng cao ở các vùng trên cả nước. Các kết quả thu được từ mạng lưới giám sát này đã đóng góp đáng kể vào các Báo cáo đánh giá về hiện trạng và xu hướng lắng đọng axit nói riêng và ô nhiễm không khí nói chung trong khu vực Đông Á.
Bà Marlene Nilsson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, UNEP cho rằng, cuộc khủng hoảng môi trường vượt ra ngoài biên giới quốc gia đang là một vấn đề cần được giải quyết cấp bách. Cuộc họp liên chính phủ năm nay nhằm khẳng định vai trò không thể thiếu của hợp tác khu vực trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững, chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực cần thiết để bảo vệ môi trường chung. EANET không chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát mà còn tham gia vào nghiên cứu, xây dựng năng lực và hỗ trợ chính sách, thiết lập tiêu chuẩn mới cho cơ chế khu vực.
TS. Shiro Hatakeyama - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí Châu Á – Nhật Bản đánh giá cao những kết quả Mạng lưới EANET đã đạt được, như việc dự án HAQMN dự đoán việc sử dụng LCS đang tiến triển suôn sẻ cũng như được mở rộng trên toàn thế giới. Dự án được EANET chú trọng đến độ chính xác của dữ liệu, đang thu hút lượng lớn nhân lực tham gia và sẽ sớm hoàn thiện thời gian sắp tới, vì vậy cần rất nhiều nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ từ các nước thành viên, các bên liên quan để thực hiện các dự án vì môi trường trong khuôn khổ Mạng lưới EANET.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 29 – 30/11 với sự chủ trì của TS. Lê Ngọc Cầu – Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cùng bà Marlene Nilsson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc; TS. Shiro Hatakeyama Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí Châu Á – Nhật Bản cùng Ban Thư ký Mạng lưới EANET.
Nhằm mở rộng phạm vi EANET, các hoạt động trong Hội nghị tập trung đánh giá giữa kỳ của Kế hoạch trung hạn EANET 2021-2025 nêu bật các lĩnh vực chính cần cải thiện và mở rộng, bao gồm nâng cao năng lực giám sát, thành lập các lực lượng đặc nhiệm mới và phê duyệt các dự án trực tiếp giải quyết vấn đề cấp bách về ô nhiễm không khí.
Hội nghị sẽ xem xét quá trình hoạt động của EANET thông qua Dự thảo Báo cáo tiến độ về các hoạt động cốt lõi của EANET kể từ Phiên học liên Chính phủ (IG) lần thứ 24 vào tháng 11/2022; Dự thảo Báo cáo tài chính của Ban Thư ký và hoạt động cốt lõi của Trung tâm Mạng lưới năm 2022 và 2023; Dự thảo Báo cáo thường niên của Dự án EANET và Quỹ Dự án EANET kể từ IG23 và Dự thảo Báo cáo hoàn thành dự án EANET 2022; Báo cáo về kết quả của Nhóm công tác cuộc họp năm 2023... cùng với các thảo luận về hướng dẫn hành chính và tài chính, hướng dẫn thực hiện dự án.
Cuộc họp này sẽ xem xét tiến độ của các thỏa thuận trước đây và cân nhắc tương tác nhằm tăng cường vai trò của EANET và sự hỗ trợ của EANET đối với các quốc gia thành viên. Các quyết định được đưa ra tại IG25 sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các hành động của EANET cho năm 2024 và tái khẳng định vai trò lãnh đạo của EANET trong việc giải quyết các vấn đề về chất lượng không khí.
Đối với các sáng kiến như sử dụng cảm biến chi phí thấp và phát triển các tiêu chuẩn môi trường cho các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi ở Philippines cho thấy lập trường chủ động mà EANET đã thực hiện vào năm 2023. Với hơn hai thập kỷ kinh nghiệm và khuôn khổ quản trị mạnh mẽ, tổ chức này có vị thế tốt để đưa ra các giải pháp cho những thách thức dai dẳng về lắng đọng axit và ô nhiễm không khí.