Giám sát chặt chẽ tránh trục lợi, thất thoát và lãng phí tài nguyên
Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cho rằng: Cần rà soát, có giải pháp phù hợp, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả của việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phân kỳ cụ thể tiến độ thực hiện làm cơ sở điều chỉnh thời điểm kết thúc Dự án. Ngoài ra, cần có quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nơi có mỏ khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh tiêu cực, trục lợi, thất thoát, lãng phí…
Chiều 27/10, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Thảo luận tại Tổ 06, gồm 03 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Đồng Nai, Sóc Trăng, Hà Giang. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường điều hành nội dung phiên thảo luận.
Giám sát chặt chẽ là khâu hết sức quan trọng
Đối với nội dung cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy định tại Điều 7 của Dự thảo nghị quyết, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH Hà Giang) đề nghị cần quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, giám sát, cơ quan chủ quản đầu tư hay chính quyền địa phương nơi có mỏ khai thác khoáng sản để làm rõ trách nhiệm, bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh tiêu cực, trục lợi, thất thoát, lãng phí.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH Sóc Trăng) đề nghị tại Điều 7 cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có các giải pháp phù hợp hơn nữa nhằm bảo đảm tiến độ cho các dự án.
Đại biểu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sớm triển khai dự án: Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu san lấp.
Bộ TN&MT sớm phối hợp với Bộ Xây dựng cùng UBND các ĐBSCL để xác định trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, như: các loại đá, cát xây dựng, đất sét đắp lề đường... Từ đó, điều tiết cho các địa phương khan hiếm hoặc không có nguồn vật liệu để các tỉnh làm cơ sở tính toán lập dự toán xây dựng và triển khai dự án.
Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành vận dụng tối đa cơ chế đặc thù, ban hành quy chế phối hợp, quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu và hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục giao mỏ vật liệu xây dựng cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù. Làm rõ về trách nhiệm kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, cung ứng cát và thẩm quyền xử lý các sai phạm nếu có, bảo vệ môi trường, chống sạt lở, không để xảy ra trục lợi chính sách.
Đại biểu kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hướng dẫn thủ tục để xác định dự toán giá cát, định mức khi giao mỏ cho nhà thầu thực hiện khai thác cát phục vụ dự án; Ngoài ra, Bộ GTVT hướng dẫn tỉnh xác định mỏ cát, chi phí khai thác. Bởi vì, giá trong hợp đồng chỉ là dự kiến và sau khi giao mỏ cho nhà thầu và tổ chức khai thác cát, chủ đầu tư sẽ tổ chức xây dựng lại giá cát và điều chỉnh lại hợp đồng.
Nhiều băn khoăn về tiến độ dự án
Thảo luận tổ về về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bà Phạm Thuý Chinh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Hà Giang) lưu ý, dự án được nhắc nhiều lần trong báo cáo thẩm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí các năm vừa qua và thấy rất rõ có sự lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giai đoạn 1 dự án.
Dẫn báo cáo cho thấy diện tích còn lại phải thu hồi là không lớn, chỉ chiếm trên 4% tổng diện tích nhưng “không phải một chỗ mà “xôi đỗ”, vì vậy bà Phạm Thuý Chinh băn khoăn kể cả kéo dài đến năm 2024 thì việc có thu hồi được hay không cũng là cả một câu chuyện.
Nữ đại biểu cũng cho biết, số hộ dân chưa được phê duyệt tái định cư trên 1.200 hộ là tỷ lệ cao, chiếm đến 31%, nhất là hàng trăm hộ đã xét mà không đủ điều kiện bố trí.
Một điều nữa mà bà Nguyễn Thuý Chinh băn khoăn là nguyên nhân được đề cập chủ yếu là khách quan, chưa thấy đánh giá nguyên nhân chủ quan trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành và triển khai.
Hơn nữa, những nội dung đang được kiến nghị điều chỉnh cũng cho thấy có vấn đề về kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy định của luật về ngân sách và đầu tư công khi còn nguồn vốn không được giải ngân kịp thời và vắt qua nhiều năm, giờ đã hết niên độ.
Ủng hộ việc kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2024 vì sự cần thiết tạo cơ sở pháp lý cho triển khai giải ngân và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đề nghị nguồn giải ngân tách thành 2 phần, trong đó nguồn vốn của giai đoạn 2016-2020 cần huỷ dự toán vì không phù hợp luật ngân sách, đầu tư công cũng như nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ lập dự toán phân bổ cho các năm tiếp theo.
Nữ đại biểu cũng “sốt ruột” khi công tác chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng khi dự án đi vào khai thác từ 2025, bởi hiện tại con số đăng ký đào tạo nghề rất khiêm tốn.
Những vấn đề trên, bà rất mong các đại biểu đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cung cấp thêm thông tin.
Tỉnh Đồng Nai mong muốn kéo dài thời gian thực hiện đến 2024
Ông Bùi Xuân Thống – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu một số lý do khiến việc thực hiện dự án bị chậm. Trước hết, cảng hàng không Long Thành có thể là dự án quy mô lớn nên việc GPMB, bồi thường, tái định cư cũng cần thời gian dài hơn. Thứ hai, thời điểm tổ chức thực hiện thì địa phương thuộc diện phải thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách do đại dịch nên công việc đóng băng, không thể đi kiểm đếm.
Thứ ba, dự án quy hoạch hơn 20 năm nên trong thơi gian chưa triển khai, người dân có nhu cầu vẫn sang nhượng, mua bán qua nhiều người dẫn đến công tác đo đạc, kiểm đếm gặp khó khăn mà nếu không làm cẩn thận lại dẫn đến khiếu nại.
Thứ tư, đầu năm 2022, đứt gãy nguồn cung ảnh hưởng đến các dự án có cấu phần xây dựng tái định cư. Có nhà thầu dù đã bỏ tiền xây dựng 30-40% công trình vẫn bỏ không làm tiếp. Muốn đấu thầu lại thì phải tiến hành bóc tách khối lượng, lên hồ sơ, chưa kể xin điều chỉnh giá nhân công, vật liệu...
“Chúng tôi đi giám sát, khảo sát cũng rất "sốt ruột" vì thấy rất chậm trong khi Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho đến cuối năm 2021 phải xong” – ông Bùi Xuân Thống chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng việc xin kéo dài thời gian đến 2024 chủ yếu để hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, còn GPMB, bồi thường đã gần xong hết.
Về đào tạo nghề, chuẩn bị lao động, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng nói thấy “sốt ruột”. Tỉnh triển khai quyết liệt nhưng còn phụ thuộc ý chí chủ quan của người lao động trong lựa chọn. Do đó Đồng Nai đang đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện vì nếu không chuẩn bị tốt thì năm 2025 khi sân bay đi vào hoạt động sẽ không đáp ứng được.
Cung cấp thêm thông tin, ông Quản Minh Cường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, còn 64ha chưa thu hồi nhưng chủ yếu nằm bên ngoài chứ không thuộc trung tâm dự án, nên việc GPMB tiếp theo không ảnh hưởng thi công sân bay.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, giá nguyên vật liệu lên, nhà thầu rời bỏ dù chịu nộp phạt, bản thân doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại khi đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng làm rồi nhưng làm tiếp sẽ lỗ nên họ không làm nữa. Tỉnh lại phải bỏ ra cả trăm tỷ đồng để làm trường học.
Ông Quản Minh Cường cũng thẳng thắn chỉ ra có những vấn đề phát sinh trên thực tế mang tính khách quan rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. “Đồng Nai sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ này, rất mong Quốc hội ủng hộ” – ông nói.
Chia sẻ với Đồng Nai, ông Lâm Văn Mẫn – Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho rằng, quy định pháp luật là vậy nhưng thực tế nhiều khó khăn phát sinh. Dự án cảng hàng không Long Thành đặc biệt quan trọng, buộc phải hoàn thành càng sớm càng tốt để phục vụ chung cho lợi ích quốc gia, do đó nên ủng hộ để tiếp tục triển khai.