Giám sát các dự án BOT giao thông tại Bình Định

29/03/2017 00:00

(TN&MT) - Chiều 29-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội làm trưởng...

 

Chiều 29-3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội làm trưởng đoàn, đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Võ Đình Thú và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp kiểm tra tuyến QL1 Bình Định.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp kiểm tra tuyến QL1 Bình Định.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 3 dự án (DA) giao thông đầu tư theo hình thức BOT gồm: DA nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 phía Bắc Bình Định (đoạn từ km 1125 - km 113); DA nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 phía Nam Bình Định - Phú Yên (đoạn từ km 1212+400 - km 1265) và DA cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 (đoạn từ km 17+027 - km50). Theo đánh giá chung, việc thực hiện các DA BOT trên địa bàn tỉnh với nguồn vốn đầu tư lớn làm giảm áp lực vốn đầu tư ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tăng khả năng lưu thông hàng hóa trên địa bàn Bình Định nói riêng và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Tại buổi làm việc, các đại biểu trong đoàn đã tập trung thảo luận, trao đổi làm rõ một số nội dung về kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Đáng chú ý là việc xác định tổng mức đầu tư và tổng dự toán các DA BOT chưa chính xác dẫn đến tính toán thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài. Công tác quản lý chất lượng thi công, giám sát ở một số gói thầu còn hạn chế và sai sót nên một số đoạn quốc lộ sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp, gây bức xúc trong dư luận, cử tri…

Đoàn giám sát UB thường vụ Quốc hội kiểm tra tuyến QL1 Bình Định.
Đoàn giám sát UB thường vụ Quốc hội kiểm tra tuyến QL1 Bình Định.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Quang đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bình Định trong việc hợp tác, phối hợp  với các bộ, ngành và nhà đầu tư thực hiện các DA BOT; nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thi công dự án. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc huy động đầu tư các DA BOT là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số vấn đề cần khắc phục như: hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện; mức thu phí tại các trạm còn cao, thiếu minh bạch; chất lượng thi công tại một số gói thầu còn kém chất lượng...

Đoàn giám sát yêu cầu Bộ GTVT, nhà đầu tư BOT và các nhà thầu khẩn trương kiểm tra, sửa chữa mặt đường để bảo đảm tốc độ lưu thông và an toàn giao thông trên các tuyến đường; kịp thời lắp đặt các biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu, đảm bảo an toàn giao thông. Bộ GTVT sớm quyết toán các dự án BOT để có cơ sở đưa ra mức phí và lộ trình tăng phí chính xác và thỏa đáng, bảo đảm lợi ích cho người dân. 

* Buổi sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đi kiểm tra, giám sát chất lượng thi công tại các gói thầu dự án BOT Bắc và Nam Bình Định. Đi cùng đoàn có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Mạnh Thắng cùng đại diện các Bộ, ngành chức năng.

Báo cáo đoàn giám sát, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, dự án nâng cấp và mở rộng QL1 đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc đảm bảo giao thông thông suốt, TNGT giảm thiểu rõ rệt. Tình hình vận chuyển hành khách chuyển biến tích cực góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2017, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ qua địa bàn Bình Định lên đến 22 triệu tấn.

Ông Châu kiến nghị Bộ GTVT xem xét phân tải, chuyển các loại hàng hóa như container qua đường sắt, đường biển để giảm tải cho QL1. Hoàn trả lại 13 tuyến đường tỉnh được các đơn vị sử dụng chở vật liệu phục vụ thi công QL1. Vấn đề tiêu thoát lũ trên QL1 còn hạn chế, nhiều cầu, cống trên tuyến thiếu diện tích thoát nước khiến nước chảy xiết, xói lở. Một số đoạn QL1 thấp trũng, dễ ngập nước, phương tiện lưu thông dễ hư hỏng. Trong khi đó, sau khi khảo sát toàn tuyến QL1 qua Bình Định ghi nhận nhiều vị trí dọc theo QL1 đang được san lấp mặt bằng để xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp nhưng chưa thi công hệ thống thoát nước dọc, ngang. Về lâu dài sẽ làm hư hỏng tuyến đường. Đoàn kiến nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các nhà đầu tư khẩn trương đề xuất giải pháp thoát nước.

Kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu tư vấn thiết kế xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục một số vị trí có hiện trạng chênh lệch mức nước thượng hạ lưu làm ảnh hưởng và thay đổi chất lượng đất canh tác của người dân. Đồng thời rà soát các hệ thống biển báo trên các nút giao cắt, đặc biệt là các tuyến đường tránh để đảm bảo ATGT. Bố trí thiết bị phản quang để đảm bảo ATGT vào ban đêm.

Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình thực hiện các DA BOT.
Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình thực hiện các DA BOT.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thay mặt Bộ GTVT ghi nhận những ý kiến đóng góp của các cơ quan ban ngành. Theo thứ trưởng, hiện nay Bộ GTVT đang thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, trong năm 2016 vận tải ven bờ đã giảm tải cho QL1 rất nhiều. Về tình trạng hư hỏng mặt đường trên QL1 và QL19 Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Cục đường bộ VN khắc phục, tại các vị trí chưa đầu tư trên QL19 công tác đảm bảo giao thông vẫn đang được triển khai.

"Các vị trí hư hỏng trên QL1 sẽ được tính toán thận trọng, mang tính chất bền vững, ưu tiên những chỗ hỏng trước, hết tháng 6 sẽ hoàn thành xong việc sửa chữa. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ làm việc với địa phương thống nhất nội dung, quy mô đầu tư sửa chữa" - Thứ trưởng nói. 

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm UB tài chính - ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận sự đóng góp của Bộ GTVT, tỉnh Bình Định, các nhà đầu tư trong đầu tư nâng cấp và mở rộng QL1 bằng hình thức BOT.

Theo ông Quang, trước đây việc triển khai BOT gặp rất nhiều khó khăn dưới sức ép của phát triển, đầu tư, gặp khó khăn về nguồn vốn, cơ sở pháp lý, trong công tác giải phóng mặt bằng. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TGVT, chính quyền các địa phương thì các dự án BOT sẽ không có sự thành công như vậy. Tuy nhiên ông Quang cũng chỉ ra một số khuyết điểm trong việc đầu tư BOT, người dân cho rằng mức thu phí cao, thời gian thu phí chưa hợp lý. 

"Các Bộ, ngành liên quan và các nhà đầu tư cần phải có phương án quyết toán phù hợp mới giải thích được với người dân về mức thu phí. Có cơ chế chính sách hợp lý cho người dân trong khu vực. Nghiên cứu, đẩy nhanh áp dụng thu phí không dừng. Nhà đầu tư phải đảm bảo chất lượng công trình không chỉ trong quá trình vận hành mà đảm bảo cho tới lúc chuyển giao" - ông Quang nói.

Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát các dự án BOT giao thông tại Bình Định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO