Giảm phát thải khí nhà kính ở Quảng Ninh: Tạo đà phát triển xanh
(TN&MT) - Là một trong những địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó BĐKH, trọng tâm là giảm phát thải khí nhà kính, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.
Những “mũi nhọn” giảm phát thải
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thực hiện Dự án kiểm kê khí nhà kính và quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào 4 lĩnh vực phát thải chính: Năng lượng, IPPU, AFOLU và Chất thải, làm cơ sở xây dựng kịch bản phát thải khí nhà kính của tỉnh thời gian tới. Đây cũng là nền tảng để thực hiện điều chỉnh, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh, chủ động triển khai chiến lược phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của địa phương.
Ông Nguyễn Như Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Quảng Ninh cho biết: Để triển khai hiệu quả dự án trên, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực áp dụng nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH.
Một trong những mũi nhọn mà ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh tập trung đầu tư mạnh đó là giải pháp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, vừa hạn chế xói lở, tăng khả năng chống chịu thiên tai, vừa tăng hấp thụ các-bon từ rừng, góp phần giảm tác động từ BĐKH cho khu vực ven biển.
Cụ thể, đã triển khai Dự án Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2021 với tổng nguồn đầu tư từ Trung ương và của tỉnh là 92 tỷ đồng. Kết quả, đã trồng mới, chăm sóc và bảo vệ 510ha rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển, trồng bổ sung cải tạo, phục hồi rừng chất lượng kém và chăm sóc 934ha rừng cây họ đước.
Cùng với đó, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện 3 dự án trồng rừng được ngân sách Trung ương phân bổ từ Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020. Đây là nguồn vốn từ hỗ trợ quốc tế của các tổ chức như Ngân hàng thế giới, JICA, Ngân hàng Phát triển châu Á với tổng vốn phân bổ hơn 336 tỷ đồng.
Về kiểm soát khí thải, ngành Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh đã thông qua công tác kiểm định định kỳ. Các doanh nghiệp vận tải khách cố định, vận tải xe buýt đã duy trì tốt tình trạng an toàn kỹ thuật của các phương tiện, đảm bảo mức tiêu hao năng lượng phù hợp. Đồng thời, tại các địa phương có nhiều điểm, khu du lịch như: Móng Cái, Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô đã được đầu tư gần 400 phương tiện ô tô điện sử dụng năng lượng tự nhiên và ít phát thải để vận chuyển khách du lịch, góp phần bảo vệ môi trường.
Từ năm 2016, trên địa bàn các đô thị TP. Hạ Long, TP. Uông Bí đã triển khai thay thế hơn 12.000 bộ đèn chiếu sáng giao thông có hiệu suất năng lượng thấp bằng đèn Led có hiệu suất năng lượng cao, trong đó, Hạ Long lắp mới 8.565 bóng, Uông Bí đã lắp mới 3.776 bóng, nhờ vậy tiết kiệm được hàng trăm triệu Kw điện trong thời gian qua.
Trên cơ sở Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt, địa phương đang triển khai, xây dựng Kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 263 doanh nghiệp, cá nhân lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất 3.154kWp, 210 hộ dân ở vùng sâu vùng xa được hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất 210kWp.
Tập trung mọi nguồn lực, huy động mọi thành phần
Ông Ngọc Thái Hoàng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh đã và đang triển khai thực hiện lồng ghép Phương án ứng phó với BĐKH vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo mục tiêu COP26 đề ra. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính bằng “0” giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý.
Các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh căn cứ chức năng nhiệm vụ và điều kiện thực tế, phát huy những kết quả đã đạt được, xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch bảo vệ môi trường nhằm góp phần hạn chế ảnh hưởng của BĐKH, hướng trọng tâm vào giảm phát thải.
Cụ thể, triển khai các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: kiểm kê khí nhà kính và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon; thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh các hành động giảm nhẹ khí nhà kính và tăng cường các bể hấp thu khí nhà kính; thúc đẩy việc thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí bằng năng lượng tái tạo, hướng tới phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050; thực hiện các hành động phục hồi thiên nhiên.
Qua đó, góp phần hạn chế tác động của BĐKH đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước góp phần phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH như việc đầu tư cho các nhiệm vụ trực tiếp ứng phó BĐKH còn hạn chế, chưa có cơ chế bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách hàng năm cho các nhiệm vụ ứng phó BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính và cảnh báo, giám sát BĐKH, trong đó, hầu hết các dự án về BĐKH vẫn đang được bố trí từ vốn kinh phí sự nghiệp môi trường, chưa có nguồn riêng.
Theo ông Thái Ngọc Hoàng, sở, ngành, địa phương cần tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng về trách nhiệm, lợi ích của giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất xanh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng về tái chế, tái sử dụng chất thải. Đồng thời, huy động sự tham gia của cộng đồng trong giám sát phát thải và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, tích cực trồng rừng.
Quảng Ninh xác định sẽ đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu, tìm kiếm, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng vật liệu, tài nguyên thân thiện môi trường. Đặc biệt, khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giảm nhẹ và thích ứng BĐKH.